Thủ tướng cũng lưu ý, việc thực hiện giãn cách phải đảm bảo nghiêm cả bên ngoài và bên trong; làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là cung ứng hàng hóa thiết yếu và chỉ cho phép hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các cơ sở đáp ứng yêu cầu, quy định về phòng chống dịch.
Tất cả 19 tỉnh, thành phía Nam sẽ đồng lòng thực hiện nghiêm theo tinh thần ấy. Đối với TPHCM, từ ngày 9-7 toàn TP đã thực hiện Chỉ thị 16 nhưng tình hình diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, người dân đã cố gắng sẽ phải cố gắng nhiều hơn để chung sức dập dịch.
Để đảm bảo sản xuất an toàn theo quy định “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 địa điểm”, trên địa bàn TPHCM chỉ còn 586/440.000 doanh nghiệp hoạt động với 70.000 công nhân. TP sẽ tiếp tục theo dõi, chăm lo cho người lao động mất việc, lao động tự do, yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kể cả sau khi thực hiện xong việc phát tiền thuộc gói hỗ trợ 886 tỷ đồng của TPHCM. Các hoạt động thiện nguyện vẫn đang ngày đêm hoạt động hỗ trợ để không ai bị thiếu ăn, bất ổn, bị bỏ lại phía sau.
Để giải quyết điểm nghẽn trong cung ứng các mặt hàng thiết yếu do cùng lúc 3 chợ đầu mối, 191 chợ truyền thống và một số siêu thị tạm ngừng hoạt động, TP đã cho mở thêm nhiều điểm cung ứng hàng lưu động nhưng tình hình còn khó khăn. Việc nghiên cứu, có các phương án cho mở lại một phần các chợ đầu mối và chợ truyền thống gắn với các biện pháp phòng chống dịch chặt chẽ là hợp lý. Trong đó có việc ưu tiên xét nghiệm và tiêm vaccine cho người buôn bán, vận chuyển hàng hóa. Ở các chợ truyền thống, khu vực bán rau củ quả, cá thịt, phần lớn là ngoài trời và chỉ bán vào buổi sáng. Nếu thực hiện buôn bán giãn cách, cũng có thể đáp ứng nhu cầu thiết yếu. Lãnh đạo TP đã đi thị sát các chợ và nhắc nhở cụ thể việc này.
Trong thực tế, hàng hóa từ chợ đầu mối về các chợ truyền thống sẵn có những chuỗi thu mua, bán buôn, vận chuyển, bán lẽ hoạt động gắn bó chặt chẽ, nhịp nhàng. Nếu trong giãn cách có trục trặc mắt xích nào thì việc cung ứng hàng hóa sẽ không suôn sẻ hoặc đứt gãy. Ví dụ như việc thay đổi lực lượng, phương tiện tham gia vận chuyển, có thể phát sinh trục trặc.
TP đã và đang tập trung chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân, hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Từ một vài bệnh viện, TP đã triển khai 25 bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 và chuẩn bị cho phương án có thêm bệnh viện dã chiến, thêm nhiều giường bệnh. TPHCM đã thành lập Bệnh viện hồi sức Covid-19 khi trưng dụng một phần của cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu. Hai bệnh viện dã chiến đang cấp tập xây dựng gần 6.000 giường tại quận 7 và huyện Bình Chánh để sớm đưa vào hoạt động. Đó là những nỗ lực rất lớn.
Cùng với việc huy động các nguồn lực chống dịch, Bộ Y tế đã đưa thêm hàng ngàn máy thở, trang thiết bị và tổ chức 24 đoàn nhân viên y tế của Trung ương và các tỉnh thành phía Bắc chi viện cho tuyến đầu chống dịch ở miền Nam.
Theo kế hoạch, đợt tiêm 930.000 liều vaccine Covid-19 đợt 5 dự kiến được triển khai trong tháng 7 và sẽ kéo dài khoảng 3 tuần theo các nhóm, các đối tượng ưu tiên, trong đó có nhóm có nguy cơ cao. Đợt tiêm này sẽ được tổ chức chặt chẽ, tại các cơ sở, theo khung giờ, tránh tập trung đông người.
19 tỉnh, thành phía Nam cùng giãn cách, cùng thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, cùng đồng lòng chống dịch. Cả nước đang tập trung cho tuyến đầu, cho tiền tuyến lớn. Trung ương, Chính phủ tập trung trong chỉ đạo, điều hành. Một số bộ, bộ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo và lập Tổ công tác đặc biệt. Dịch bệnh thay đổi, chống dịch cũng được thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Chỉ đạo sát thực tế, hiện trường sẽ giúp tháo gỡ nhanh khó khăn, ách tắc. Tinh thần, trách nhiệm vì dân đòi hỏi thể hiện ở các cấp, các ngành, ở sự chỉ đạo đồng bộ, không để bị đứt gãy ở khâu nào.
Tất cả lực lượng và mỗi người dân TPHCM - nơi tuyến đầu, chiến trường trọng điểm sẽ tham gia vào trận đánh có ý nghĩa quyết định trong 14 ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19, đáp ứng niềm tin và mong đợi của lãnh đạo và đồng bào cả nước.