Sau khi kênh này bị hack, kênh “Vietnam Today” mới hình thành 6 tháng nay nhưng cũng đã có hàng chục ngàn người đăng ký. Ngay trước dịp lễ 30-4, 1-5, Etcetera Trường Nguyễn dành hơn một tháng đi các tỉnh phía Nam gặp gỡ, ghi chép lại câu chuyện của các cựu tù Côn Đảo, anh hùng lực lượng vũ trang trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam.
Chuyến trở về đặc biệt
Etcetera Trường Nguyễn có cha là cựu sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng hòa. Năm 1988, Etcetera sang Mỹ sau khi học xong trung học.
Sống giữa cộng đồng người Việt ở California khi đó, Etcetera Trường Nguyễn bị cuốn theo phong trào chống cộng của một số người. Anh vẽ nhiều bức hý họa lên án chế độ trong nước, mà sau này khi trở lại Việt Nam, chứng kiến những đổi thay trong nước, anh thực sự hối tiếc những sự việc mình đã làm. Năm 2004, anh cùng bạn bè lập tờ tuần báo Viet Weekly dành cho cộng đồng người Việt. Qua quá trình làm báo, tìm hiểu được nhiều thông tin, anh cảm nhận Việt Nam không tiêu cực như những thông tin phổ biến trong vài nhóm cộng đồng người Việt ở Mỹ.
Năm 2006, Việt Nam lần đầu tiên đăng cai Hội nghị cấp cao APEC, Etcetera Trường Nguyễn xin visa về nước đưa tin và được chấp nhận. Chuyến trở về ấy đã thay đổi cuộc đời anh. Được tác nghiệp, được tiếp xúc với nhiều người dân, Trường Nguyễn đã có những bước ngoặt trong tâm tư, tình cảm, nhận thức.
Anh tận mắt chứng kiến đất nước Việt Nam phát triển, đổi mới, người dân được tự do kinh doanh làm giàu, hoạt động báo chí của một người Việt từ hải ngoại như anh được tôn trọng. Vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đó là một Việt Nam đầy khát vọng vươn lên, đầy lạc quan và năng động. Những bài viết trên Viet Weekly ghi nhận về Việt Nam một cách khách quan, cùng cuộc phỏng vấn với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong chuyến đi về nhiều nội dung, như cuộc chiến đã qua, hòa giải, điều 4 Hiến pháp và nguyên Thủ tướng trả lời rất thẳng thắn, hợp tình hợp lý… đã gây rúng động trong cộng đồng người Việt. Có những người cũng tìm thấy một cái nhìn khác về nơi họ đã ra đi, nhưng cũng có những người cực đoan trở nên gay gắt với tờ báo của Etcetera Trường Nguyễn.
Tiếp đó là các tường thuật về chuyến đi xuyên Việt của anh cùng các phóng viên Viet Weekly năm 2007, chuyến thăm Mỹ năm 2007 của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Khi đó, những người cực đoan càng nhắm tới Viet Weekly với những cuộc biểu tình dữ dội, đe dọa các thân chủ quảng cáo khiến Viet Weekly - từng có lúc phát hành cả trăm ngàn bản ở Mỹ và Canada - vừa gặp khó do bị chống đối, vừa gặp khó vào thời điểm báo in thoái trào, cuối cùng phải đóng cửa. Nhưng quá trình này, Etcetera Trường Nguyễn và nhiều người đã thấy rõ có những sự lừa gạt cộng đồng người Việt, có không ít kẻ lợi dụng việc chống cộng để kiếm tiền. Bố mẹ, người thân của anh cũng dần nhận ra thực chất của phong trào chống cộng, và họ tin tưởng, ủng hộ sự lựa chọn của con trai mình.
Khi Viet Weekly chuyển sang báo mạng tới khi đóng cửa, tờ báo vẫn nỗ lực phản ánh tình hình Việt Nam một cách trung thực nhất, trong đó, có các chuyến đi Trường Sa của Etcetera Trường Nguyễn các năm 2012, 2013, 2014 theo lời mời của Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài và của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khi đó. Những hình ảnh người chiến sĩ bám trụ kiên cường giữ gìn biển đảo, nhất là trong vụ Trung Quốc kéo giàn khoan HD 981 trái phép vào thềm lục địa Việt Nam năm 2014, cuối cùng đã được nhiều người trong cộng đồng hiểu rõ. Các phóng sự đó khơi dậy lòng yêu nước, giúp cộng đồng thấy rõ những nỗ lực của Chính phủ, quân dân Việt Nam vượt qua muôn vàn gian khổ để giữ bằng được chủ quyền, lãnh hải thiêng liêng.
Tình yêu dần lớn
Nung nấu với suy nghĩ phải làm gì đó cho đất nước, Etcetera Trường Nguyễn quyết định trở về sống tại Việt Nam. Anh ra bờ hồ vẽ ký họa chân dung, lang thang khắp phố phường Hà Nội ký họa cuộc sống và thành phố, vẽ tranh minh họa cho sách của Nhà xuất bản Kim Đồng… Anh càng khám phá sự đón nhận, lòng nhân ái, bao dung của người dân, vẻ đẹp của thành phố ngàn năm tuổi, dòng chảy cuộc sống mới mẻ mỗi ngày, điều anh ít cảm nhận được khi sống ở Mỹ.
Với số tiền gom góp từ những công việc đó, Etcetera Trường Nguyễn lên đường tới khắp mọi miền của Tổ quốc, ghi lại những câu chuyện văn hóa, cuộc sống đời thường của người dân, gặp gỡ những nhân chứng của lịch sử... Những câu chuyện dọc đường đó được anh chuyển thành những clip rất sinh động, thú vị trên kênh Văn hóa Việt Nam TV. Cái nhìn của một nhà báo Việt kiều về đất nước đã thu hút cả trăm ngàn người trong và ngoài nước đăng ký, hầu hết ủng hộ tinh thần tích cực, lạc quan, dựa trên hình ảnh và sự thật mà Etcetera Trường Nguyễn phản ánh trong clip.
Đồng hành với anh là bà xã Lê Lê. Họ tới vùng cao Tây Bắc, khu vực Tây Nguyên và xúc động bởi cuộc sống thuần khiết của người dân ở đây. Họ được bà con nấu cho bữa cơm, được các chiến sĩ biên phòng đón tiếp, gặp cô giáo và các em nhỏ ở những điểm trường xa xôi hiểm trở vẫn theo đuổi con chữ, học hành. Và một mảng nữa, vốn từng xa lạ với Etcetera Trường Nguyễn, đó là những chuyến đi đến các di tích lịch sử cách mạng, gặp những nhân chứng của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, về thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, tìm hiểu cuộc sống giản dị cũng như tư tưởng của Người… Tất cả giúp anh hiểu sâu sắc hơn về những khái niệm Tổ quốc, dân tộc, về độc lập, tự do. “Phải trải nghiệm Việt Nam mới thấy được sự quý giá của hòa bình hôm nay”, Etcetera Trường Nguyễn tâm sự.
Trước lễ 30-4, hẹn gặp Etcetera Trường Nguyễn rất khó. Bởi cuối tháng 3, anh đã lên đường với một chủ đề mới: tìm gặp những người tù Côn Đảo còn sống cùng người thân, gia đình họ. Anh nói: “Tôi lắng nghe rất nhiều chia sẻ với những câu chuyện rất đặc biệt. Có người tham gia cách mạng từ 13 tuổi, giờ đã 60, có người đã 80-90 tuổi. Họ rất tự hào được sống trong một giai đoạn lịch sử vĩ đại, vô tư cống hiến và đầy lý tưởng cách mạng khi ấy”.
Từ điểm dừng chân đầu tiên là Đức Trọng, Đà Lạt (Lâm Đồng), tới Phan Thiết (Bình Thuận), Bình Phước, TPHCM, Etcetera Trường Nguyễn gợi mở để các cựu tù Côn Đảo, các anh hùng lực lượng vũ trang chia sẻ theo mạch cảm xúc. Câu chuyện rất tự nhiên, sống động, sự hy sinh lớn lao, sự kiên cường của họ khiến anh xúc động rơi nước mắt. “Tôi muốn viết sách, làm phim về họ, về việc họ từng sống và chiến đấu vì đất nước, cả những chạnh lòng của họ và người thân, để người trẻ biết thế hệ cha ông đã đóng góp thế nào cho lịch sử”, Etcetera Trường Nguyễn khẳng định.