Tràn lan pháo lậu, pháo tự chế

Càng gần tới Tết Nguyên đán 2024, số vụ tai nạn gây thương tích nặng nề, thậm chí tử vong do pháo nổ liên tục gia tăng. Hầu hết nạn nhân của các vụ tai nạn pháo còn rất trẻ. 

Trong khi đó, trên mạng xã hội lại tràn ngập các clip hướng dẫn làm pháo và rao bán tràn lan các loại nguyên liệu, tiền chất làm pháo, thậm chí pháo lậu.

Hàng loạt tai nạn thương tâm

Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa tiếp nhận một nữ sinh lớp 6 ở huyện Quỳnh Lưu được đưa tới cấp cứu trong tình trạng bị bỏng 2 mắt, vùng mặt và tay. Theo người thân bệnh nhi, nữ sinh này đã xem clip trên mạng xã hội về việc làm pháo từ diêm và bắt chước làm theo, khiến bột diêm bùng cháy, bốc thẳng vào mặt gây bỏng nặng.

f4a-6989.jpg
Bác sĩ Bệnh viện Việt Đức thăm khám điều trị cho bệnh nhân bị tai nạn do pháo nổ. Ảnh: NGUYỄN QUỐC

Cũng là một nạn nhân của việc tự chế tạo pháo nổ, nam sinh N.H.C. (14 tuổi, ở Thanh Oai, Hà Nội) được đưa tới Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội trong tình trạng dập nát bàn tay phải và tổn thương nhiều nơi trên cơ thể. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Trường, Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội, cho biết, với thương tích của N.H.C., dù đã được các bác sĩ phẫu thuật thành công, xử lý kịp thời nhưng di chứng để lại vẫn rất nặng nề. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Trường cảnh báo, tất cả tai nạn do pháo nói chung và pháo nổ tự chế nói riêng đều rất nguy hiểm, không chỉ gây tàn phế mà thậm chí còn gây tử vong.

Đau xót hơn khi mới đây, tại xã Văn Hải (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) xảy ra vụ nổ lớn làm sập nhà, khiến 2 phụ nữ tử vong. Cơ quan công an điều tra làm rõ nguyên nhân là do sản xuất pháo.

2 nạn nhân trên được đối tượng Nguyễn Văn Linh (sinh năm 1996, ở thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn) thuê để lắp ngòi nổ, đóng gói thuốc pháo nổ, đóng gói đơn hàng pháo.

Mới đây nhất, lực lượng công an đã phát hiện 6 học sinh từ lớp 5 đến lớp 7 thuộc các trường tiểu học và THCS trên địa bàn xã Ea Uy (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) đã có hành vi chế tạo, tàng trữ pháo nổ trái phép. Các cháu khai nhận đã tự lên internet học cách chế tạo pháo, sau đó góp tiền mua các hóa chất trên các trang mua bán hàng Lazada, Shopee... để về chế tạo pháo nổ. Sau vài lần thử nghiệm, chế tạo thành công được pháo, các em mang lên trường bán với giá từ 5.000-30.000 đồng.

Hiểm họa rình rập

Hàng loạt vụ tai nạn thương tâm do pháo và pháo tự chế gây ra gần đây có nguyên nhân chủ yếu từ việc mua bán các nguyên liệu, tiền chất làm pháo và các clip dạy làm pháo đăng tràn lan trên mạng xã hội, nhất là thời điểm cận kề Tết Nguyên đán. Trên các trang Facebook, YouTube và TikTok, các loại dây cháy chậm, bột KClo3, Natri benzoat, bột than, lưu huỳnh, giấy cuộn… (những nguyên vật liệu để sản xuất pháo) được rao bán tràn lan với giá rất rẻ. Thậm chí trên một số sàn thương mại điện tử cũng tràn ngập các gian hàng rao bán các loại dây cháy chậm và giấy cuộn làm thân pháo.

Trong khi đó, nhiều hội nhóm trên mạng xã hội còn ngang nhiên rao bán pháo nổ thành phẩm, hoặc các combo nguyên liệu hóa chất làm pháo; nếu khách hàng chưa biết pha trộn thì người bán sẵn sàng bán sẵn theo tỷ lệ trộn của từng loại pháo. Cùng với nguyên liệu, tiền chất làm pháo, trên mạng xã hội xuất hiện đầy rẫy clip hướng dẫn cụ thể cách làm pháo, từ công thức, cách trộn hóa chất như thế nào cho tới cách làm pháo hoa, pháo que, pháo trứng, pháo cối, pháo dàn.

Trước các mối nguy hại này, một số chuyên gia hóa chất cảnh báo, pháo tự chế có thành phần hóa học rất đa dạng. Tuy công thức chế tạo pháo được chia sẻ nhiều trên mạng, nhưng những người làm pháo thường không kiểm soát được chất lượng và hàm lượng. Trong khi đó, đa số người làm pháo đều tiếp xúc gần với các loại hóa chất, vật liệu rất dễ cháy nổ, dẫn tới những tai nạn nặng nề về sức khỏe.

Theo Bộ Công an, càng gần tới Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình hình tội phạm liên quan đến pháo ngày càng phức tạp. Ngoài việc pháo lậu buôn bán tràn lan, việc chế tạo, sản xuất và sử dụng pháo trái phép không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn mối nguy hiểm đối với tính mạng, sức khỏe và an ninh trật tự. Để đảm bảo an ninh, trật tự và sự yên bình trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Bộ Công an cảnh báo và khuyến cáo người dân nâng cao nhận thức, tuân thủ quy định về quản lý và sử dụng pháo theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, gia đình, nhà trường cần tăng cường quản lý, giáo dục con em mình chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, trong đó có các quy định về quản lý, sử dụng pháo. Đối với các sản phẩm pháo hoa được phép sử dụng phải đáp ứng các điều kiện về năng lực hành vi dân sự; sử dụng trong các trường hợp được phép, bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng và lựa chọn mua tại các cửa hàng được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật. Nếu phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm quy định về phòng chống pháo nổ, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Năm 2023, lực lượng công an cả nước phát hiện 2.354 vụ vận chuyển, mua bán, sản xuất, nhập lậu và tàng trữ trái phép pháo nổ; bắt giữ hơn 3.000 đối tượng, thu giữ hơn 40.000kg pháo. Để đấu tranh ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm, trong đó có pháo nổ, pháo lậu dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ngày 8-12-2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã ký ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng vừa có văn bản đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường phòng, chống, ngăn chặn hành vi này qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển.

Tin cùng chuyên mục