Trang bị bình chữa cháy trên ô tô, mở đèn xe ban ngày: Cần hợp lý, mang tính khoa học

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao bàn tán về hai chuyện liên quan đến người tham gia giao thông. Bộ Công an ban hành Thông tư 57 quy định các loại xe du lịch từ 4 - 9 chỗ bắt buộc phải có một bình chữa cháy loại lớn. Còn Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) đề xuất ban hành quy định bắt buộc xe máy phải mở đèn ban ngày. Bạn đọc đã gửi đến Báo SGGP nhiều ý kiến, băn khoăn vì những quy định như vậy liên quan đến hầu hết người dân, nhưng chưa đủ thuyết phục về tính hợp lý và chính đáng. 
Trang bị bình chữa cháy trên ô tô, mở đèn xe ban ngày: Cần hợp lý, mang tính khoa học

LTS: Những ngày gần đây, dư luận xôn xao bàn tán về hai chuyện liên quan đến người tham gia giao thông. Bộ Công an ban hành Thông tư 57 quy định các loại xe du lịch từ 4 - 9 chỗ bắt buộc phải có một bình chữa cháy loại lớn. Còn Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) đề xuất ban hành quy định bắt buộc xe máy phải mở đèn ban ngày. Bạn đọc đã gửi đến Báo SGGP nhiều ý kiến, băn khoăn vì những quy định như vậy liên quan đến hầu hết người dân, nhưng chưa đủ thuyết phục về tính hợp lý và chính đáng. 

Tránh phiền hà và nhũng nhiễu

Khoản chi phí phát sinh cho việc mua bình chữa cháy không phải là tốn kém quá lớn, nhưng dư luận bức xúc vì nghi ngờ tính hợp lý và chính đáng của quy định này: Bình chữa cháy có áp suất nén khí rất lớn, sao lại buộc để trong xe khi trời nắng oi bức và xe chạy rung lắc liên tục? Buộc có bình chữa cháy loại lớn đặt trong tầm tay người lái xe, nhưng nếu để bình ở gầm ghế lái thì có thể lăn chèn vào chân ga, chân phanh gây nguy hiểm, vậy biết để chỗ nào? Các hãng sản xuất ô tô trên thế giới đều không thiết kế, trang bị bình chữa cháy loại lớn cho loại xe du lịch từ 4 - 9 chỗ; các nước tiên tiến và cơ quan đăng kiểm nước ta cũng không hề quy định buộc loại xe này phải có bình chữa cháy; vậy sao nay Bộ Công an lại quy định phạt? Có cấp bách bắt buộc như vậy không, khi mức thiệt hại do cháy ô tô lâu nay rất thấp so với khoản chi phí 2,5 triệu chủ sở hữu ô tô trong cả nước phải đồng loạt trang bị bình chữa cháy?

Phương án đưa cảnh sát phòng cháy chữa cháy làm nhiệm vụ phối hợp với cảnh sát giao thông kiểm tra xử phạt việc xe du lịch không có bình chữa cháy sẽ làm tốn nhiều nhân sự, gây thêm nhiều phiền hà cho người tham gia giao thông và cũng khó tránh khỏi thêm nạn nhũng nhiễu.

Kỹ sư NGUYỄN THANH LINH
(quận 7, TPHCM)


Không nên tùy tiện

Nhiều người đã đưa ra những câu hỏi phản biện, nghi ngờ tính hợp lý và chính đáng của việc UBATGTQG đề xuất bắt buộc xe máy phải bật đèn ban ngày. Trong điều kiện nhiều ánh sáng và nắng nóng ở nước ta, có cần thiết không khi buộc xe máy đồng loạt bật đèn chiếu sáng, gây phiền toái khó chịu cho người tham gia giao thông, làm tốn thêm nhiên liệu và góp phần làm tăng nhiệt độ không khí ở các đô thị?

Trong những năm qua, đã có những trường hợp các cơ quan chức năng tham mưu và quản lý nhà nước chưa cân nhắc thật kỹ càng mà đã đề xuất và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có thể dẫn đến những hệ lụy diện rộng, kéo dài nhiều năm, hoặc có thể thành sai sót không thể khắc phục được. Thật đáng trách khi các cán bộ tham mưu của UBATGTQG đã liên tiếp làm dư luận phải sửng sốt vì đưa ra những biện pháp giảm tai nạn giao thông rất kỳ lạ.

Thông tư 57 “mở ra” thị trường bình chữa cháy ô tô, nhiều cửa hàng nhanh chân đón bắt cơ hội này

Còn nhớ, năm 2014 UBATGTQG từng đưa ra kiến nghị vi hiến về việc phạt tịch thu xe khi người lái xe có nồng độ cồn. Dư luận đã phê phán kịch liệt và rồi kiến nghị kỳ quặc này đã bị xếp xó, vì đâu thể dùng quyết định hành chính để tịch thu tài sản của công dân được Hiến pháp bảo vệ. Đến năm 2015, UBATGTQG đưa ra chương trình phối hợp với Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam triển khai vận động phòng chống lạm dụng rượu bia, theo đó, thực khách nhậu say sẽ được nhà hàng giữ giùm xe và hỗ trợ tiền taxi đưa về. Hóa ra không phải vận động không uống rượu bia để lái xe an toàn, mà là động viên cứ uống đến say xỉn sẽ được giúp đưa về. Nếu đề xuất bắt buộc xe máy phải bật đèn chiếu sáng ban ngày được thực thi, cũng sẽ gây ra những phiền toái không đáng có và khiến dư luận bất bình. Nhằm tăng an toàn giao thông, có rất nhiều việc phải làm, cần cân nhắc việc nào cấp thiết, tránh tùy tiện khi chưa cẩn trọng nghiên cứu khoa học, phải bảo đảm hợp lý, hợp lòng dân và hợp quy luật.

TRẦN LÊ KHÁNH VÂN
(quận 1, TPHCM)


Không được phép dừng ô tô chỉ để kiểm tra bình cứu hỏa

Ngày 11-1, trước việc Thông tư số 57 của Bộ Công an quy định xe ô tô phải có trang bị bình chữa cháy, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Công an, CSGT không được phép dừng phương tiện chỉ để kiểm tra thiết bị phòng cháy chữa cháy, cũng như không được phép cản trở hoạt động của phương tiện. Cùng với đó, lực lượng CSGT sẽ phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của Thông tư 57 về trang bị phương tiện chữa cháy trên ô tô để người dân hiểu và thực hiện. Trong thời gian tới, lực lượng CSGT và Cảnh sát PCCC sẽ tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và tuyên truyền cho chủ phương tiện nhưng chưa xử phạt xe từ 4 đến 9 chỗ ngồi khi chưa trang bị đầy đủ thiết bị chữa cháy, bình cứu hỏa và chỉ xử phạt xe từ 16 chỗ trở lên, cùng các xe chuyên dùng chưa có bình cứu hỏa.

Trong khi đó, về phía Cục Cảnh sát PCCC, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC, nêu rõ việc Bộ Công an ban hành Thông tư 57 là để nâng cao ý thức PCCC cho người quản lý, người sử dụng phương tiện giao thông. Cục Cảnh sát PCCC đã quán triệt cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng không được tham gia vào việc kinh doanh, buôn bán thiết bị PCCC vì đó là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của ngành, trừ những đơn vị có chức năng theo quy định thì mới được làm.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục