Trang bị khung pháp lý vững chắc cho doanh nghiệp phát triển

Nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, Báo SGGP giới thiệu ý kiến của Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) về vai trò của việc xây dựng khung pháp lý vững chắc, tạo nền móng cho doanh nghiệp phát triển.

Có thể nói, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang liên tục có những thay đổi, gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh những biến động của bối cảnh (dịch bệnh, chiến tranh), sự điều chỉnh của chính sách, khung pháp lý chắc chắn tạo ra những biến số mới, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự trang bị đầy đủ về mặt kế hoạch và chiến lược.

Một trong những giải pháp quan trọng nhất trong quản trị và phát triển doanh nghiệp là giải pháp về pháp lý. Theo đó, các chính sách, thể chế cần được cải cách theo hướng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và bản thân doanh nghiệp cũng cần phải có sự thích ứng, thay đổi kịp thời để hạn chế những ảnh hưởng, rủi ro phát sinh từ bối cảnh khách quan của thị trường.

Một chương trình về giải pháp pháp lý cho doanh nghiệp được tổ chức tại TPHCM đầu tháng 7-2023. Ảnh: MAI HOA

Một chương trình về giải pháp pháp lý cho doanh nghiệp được tổ chức tại TPHCM đầu tháng 7-2023. Ảnh: MAI HOA

Qua thực tế xử lý các vụ tranh chấp, chúng tôi thấy rằng, việc đúc kết một bộ “áo giáp” về pháp lý thật chắc chắn là một trong những thành tố quyết định sự phát triển bền vững và hiệu quả của doanh nghiệp. Với việc hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật đang được sửa đổi, điều chỉnh, làm mới, cùng với đó là rất nhiều thách thức, rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng, cộng đồng doanh nghiệp cần có các diễn đàn để chia sẻ và được các cơ quan, tổ chức, chuyên gia có chuyên môn hỗ trợ định hướng, tháo gỡ.

Việc cung cấp, triển khai các diễn đàn thảo luận, phân tích tập trung vào các vấn đề pháp lý sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Đó không chỉ là vấn đề của riêng các doanh nghiệp, xa hơn còn góp phần cải thiện về thể chế, thúc đẩy tạo lập môi trường kinh doanh, đầu tư lành mạnh, bền vững hơn trong tương lai.

Trên cơ sở đánh giá nhu cầu của doanh nghiệp và đặt trong bối cảnh TPHCM đang chuẩn bị có những bước ngoặt lớn về phát triển kinh tế đặc thù, VIAC cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) sẽ triển khai Diễn đàn Hỗ trợ pháp lý đầu tư.

Diễn đàn sẽ tập trung chủ yếu vào việc khai thác các vấn đề pháp lý, cụ thể là hướng đến các khó khăn trong tiến trình áp dụng quy định pháp luật của các nhà đầu tư đang hoạt động tại TPHCM và đưa ra các giải pháp ngắn hạn, dài hạn.

Kích cầu nội địa là một trong những giải pháp được khuyến nghị đối với TPHCM

Kích cầu nội địa là một trong những giải pháp được khuyến nghị đối với TPHCM

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM:

Tiếp sức doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Hiện nay khu vực doanh nghiệp chiếm tỷ trọng và đóng góp cao nhất vào GRDP của TPHCM. Vì vậy cần tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trước mắt là trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Trước hết, cần tổ chức đánh giá tình hình giải quyết các vướng mắc khó khăn mà doanh nghiệp đã kiến nghị trong thời gian qua; những nội dung đã làm được, những tồn tại chưa giải quyết cần nêu rõ nguyên nhân từ đâu (khách quan hay chủ quan) để định hướng giải quyết trong quý IV năm 2023 và thời gian tới.

Về tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP chỉ tăng 5,9% so với cùng kỳ, trong khi 9 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng tín dụng tăng đến 19,5%. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang hạn chế. Vì vậy, cần tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, tín dụng ưu đãi đối với các ngành kinh tế chủ lực và doanh nghiệp vừa và nhỏ; cho phép ngân hàng trong nước mua lại trái phiếu sắp tới hạn và xem như một dạng tín dụng đặc biệt, giảm mạnh lãi suất cho vay nhà ở xã hội và xây dựng cơ chế cho doanh nghiệp tham gia tín chấp bảo lãnh cho người lao động.

Để nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, cần kéo dài chính sách giảm 2% thuế VAT sang năm 2024 thay vì hết năm 2023. Năm 2023 chính sách này đã triển khai từ quý 1 nhưng thực tế là triển khai từ tháng 6. Bên cạnh đó cần tiếp tục hoãn, giảm các khoản liên quan như kinh phí công đoàn, bảo hiểm xã hội hay mức thuế thu nhập cá nhân phù hợp với hoàn cảnh hiện nay, đẩy nhanh việc hoàn thuế cho doanh nghiệp.

Sở Công thương, Sở Ngoại vụ, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư nhằm tìm kiếm, thay thế và bổ sung các thị trường xuất khẩu tiềm năng; tổ chức các hội chợ giới thiệu sản phẩm Thành phố ở các địa phương trong nước. Đồng thời, TPHCM cũng cần triển khai nhanh các chương trình hoạt động du lịch, khách sạn nhà hàng trong các tháng cuối năm. Tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch có quy mô lớn, mang đậm bản sắc riêng của Thành phố để thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa trong mùa lễ, tết sắp đến.

MAI HOA ghi

Tin cùng chuyên mục