* Mỗi cơ quan “phán” một kiểu?!
Tại cuộc họp khẩn cấp vừa được tổ chức giữa Hiệp hội Thép Việt Nam với các bộ ngành có liên quan xung quanh việc Công ty Thép Việt Ý (VIS) đặt hàng sản xuất tại Trung Quốc, sau đó nhập khẩu sản phẩm trở lại Việt Nam, đã bị nhiều doanh nghiệp thép phản đối mạnh mẽ, trong khi đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước có ý kiến không thống nhất.
Được biết, Công ty Thép Việt Ý đã ký hợp đồng thuê một đối tác Trung Quốc gia công lô hàng đầu tiên với số lượng 5.000 tấn thép cây theo thiết kế của công ty, sản phẩm mang nhãn hiệu VIS.
Theo nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội, việc làm này thực chất là “đi buôn thép thành phẩm với nhãn mác đã được đăng ký tại VN và có thể trở thành tiền lệ cho hàng nhái nhập vào VN”.
Phó tổng giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên Hoàng Văn Tòng cho biết, đã được nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chào mời “góp thương hiệu” bằng cách cho phép họ sản xuất hàng loạt rồi nhập khẩu trở lại Việt Nam với tỷ lệ lợi nhuận được chia là 30%, nhưng công ty đã khước từ.
Trong khi đó, VIS cho rằng, sản xuất ở nước ngoài có nhiều cái lợi. Trước hết, giá phôi thép trong nước đang tăng mạnh, lên tới 8.800-8.900 đồng/kg trong khi giá phôi tại Trung Quốc chỉ 8.200-8.400 đồng/kg; thị phần thép xây dựng của VIS chỉ 180.000 tấn/năm, nghĩa là khá nhỏ, không gây ảnh hưởng đáng kể tới các doanh nghiệp khác.
Trước khi tiến hành hợp đồng trên, VIS đã có công văn hỏi ý kiến của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ và Tổng cục Hải quan. Hai cơ quan này đã có văn bản trả lời rằng, việc làm đó không vi phạm pháp luật.
Đại diện Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp dự họp cho rằng, loại thép trên không thể coi là hàng do phía nước ngoài gia công, vì sản phẩm thép C3 của VIS sản xuất tại Trung Quốc, sử dụng 100% nguyên liệu đầu vào của Trung Quốc, chỉ gắn mác của VIS mà thôi.
Ngoài ra, do giá rẻ, việc sản phẩm nhập ngoại có thể sẽ lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng sản xuất trong nước – vốn đang gặp khó khăn.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết sẽ gửi công văn xin ý kiến các bộ ngành về vấn đề đang tranh cãi gắt gao này. Hiện giá thép trên thị trường trong nước tiếp tục đứng ở mức cao, mặc dù sức mua không tăng.
A.P.
Khan hiếm nguyên liệu sản xuất thép H.V. |