Tranh cãi sau cuộc khủng hoảng con tin Hàn Quốc

Cuộc khủng hoảng con tin Hàn Quốc đã chấm dứt sau khi Taliban thả 7 con tin cuối cùng. 48 triệu người dân Hàn Quốc đã gần như sống trong ác mộng trong 40 ngày đêm với mối đe dọa giết chết con tin được Taliban tung ra hàng ngày. Hai trong số 23 con tin mãi mãi không thể vui sum họp với gia đình.

Báo chí Hàn Quốc ngày 31-8 đã rút ra nhiều bài học xung quanh sự kiện này. Tờ Chosun Ilbo ghi nhận nỗ lực từ phái đoàn đàm phán của Chính phủ Hàn Quốc. Suốt các cuộc thương thuyết để mang lại bình an cho các con tin, Chính phủ Hàn Quốc đã phải đàm phán mặt đối mặt với Taliban tại chính lãnh địa của họ. Phái đoàn đàm phán của Hàn Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phá vỡ cam kết với quốc tế không đàm phán với quân khủng bố. Tất cả chỉ vì một nhóm người trẻ tuổi tới Afghanistan mà không chuẩn bị kỹ.

Cũng theo tờ báo, sau sự việc này, các nhà thờ Cơ đốc giáo tại Hàn Quốc phải thảo luận kỹ càng về công việc truyền giáo tại những khu vực nguy hiểm để tìm ra giải pháp nhằm tránh tái diễn sự kiện mà báo này cho rằng gây mất uy tín và thiệt hại tài chính cho Chính phủ Hàn Quốc cũng như khiến dư luận căng thẳng. Tuy nhiên, Tổng Thư ký Hiệp hội truyền giáo Hàn Quốc (KWMA) Paul J.K. Han cho rằng họ cảm thấy bị qua mặt vì Chính phủ Hàn Quốc đã đơn phương cam kết với Taliban ngừng các hoạt động truyền giáo tại Afghanistan. Ông này cho biết nhóm bị bắt cóc chỉ là những nhà truyền giáo tập sự làm việc tự nguyện chứ không phải là thành viên của KWMA và các nhà truyền giáo sẵn sàng “tử vì đạo” miễn là Chính phủ Afghanistan cấp thị thực cho họ.

Tờ Korea Herald có bài viết: “Hàn Quốc bị trách mắng vì đàm phán với quân khủng bố”. Bài này cho rằng Chính phủ Seoul đang đối mặt với sự chỉ trích của cộng đồng thế giới vì đã đàm phán trực tiếp với Taliban. Tờ báo dẫn lời Ngoại trưởng Afghanistan Dadfar Spanta cho rằng thật đáng tiếc vì dường như Hàn Quốc quá chú ý tới các thời hạn chót mà Taliban đưa ra với các con tin. Đức chỉ trích Hàn Quốc khi cho là Hàn Quốc bị Taliban tống tiền đồng thời khẳng định sẽ không thay đổi lập trường trong nỗ lực buộc Taliban thả một con tin người Đức bị bắt hồi tháng rồi. Ngoại trưởng Canada Maxime Bernier cũng đưa ra lời chỉ trích tương tự và khẳng định Canada sẽ không đàm phán với quân khủng bố dù nước này đang có 2.500 quân tại Afghanistan.

Hiện chưa rõ có hay không khoản tiền chuộc các con tin (một số nguồn tin cho là 2 triệu USD), nhưng cam kết của Chính phủ Hàn Quốc rút quân khỏi Afghanistan cuối năm nay khiến Taliban có lý do để mừng. Người phát ngôn Taliban Qari Yousuf Ahmadi nói: “Nếu chúng tôi nhận ra đây là chiến lược thành công, chúng tôi sẽ thực hiện thêm nhiều vụ tương tự với các công dân nước khác hiện đang có quân tại Afghanistan”.

Phía Chính phủ Hàn Quốc cũng đã bảo vệ hành động của mình. Một quan chức chính phủ nói: “Chúng tôi hiểu có nhiều quan ngại về việc chúng tôi tiếp xúc trực tiếp với Taliban nhưng tôi tin rằng cứu sinh mạng của 19 người là việc làm đúng”.

Vũ Minh
Theo Chosun Ilbo, Korea Herald, AFP

Tin cùng chuyên mục