Tranh cãi về chương trình học mà chơi

Tranh cãi về chương trình học mà chơi

Trong năm học mới bắt đầu từ tháng 8-2016, một số trường trung học, đại học Bắc Âu, Mỹ, Hàn Quốc sẽ chính thức đưa các game Thể thao điện tử (eSports) trở thành môn học, ngành học chính thống.

Trường trung học Garnes ở Na Uy đã ghi tên vào danh sách những trường đưa eSports trở thành môn học bắt buộc. Bắt đầu từ năm học mới, học viên có 5giờ/tuần để học bộ môn này. eSports sẽ được tính vào điểm trung bình của học sinh như các môn học bình thường khác. Trước đó, 3 trường trung học ở Karlstad, Ovanaker, Stockholm của Thụy Điển đã dạy eSports như các môn thể thao thông thường. Học sinh có các phòng học chức năng để phục vụ cho việc thực hành. Mỗi trường có các đội và giải đấu khác nhau nhằm tìm kiếm và phát triển tài năng cũng như mục tiêu chinh phục các giải đấu lớn. Thậm chí, trường Voxnadalen nằm ở tỉnh Ovenaker còn định tổ chức giải đấu lớn cho học sinh năm cuối như một sự kiện đặc biệt trước khi chia tay mái trường của mình.

Giải đấu eSports thu hút nhiều người tham dự

Đại học Robert Morris ở Illinois (Mỹ) đã bổ sung eSports vào danh sách các chương trình thể thao của mình, thậm chí các thành viên của đội game còn có cơ hội nhận được học bổng, miễn giảm một nửa tiền học phí cũng như ăn ở khi tham gia luyện tập và thi đấu đạt thành tích cao. Tại Hàn Quốc, Đại học Chung-Ang, thuộc tốp 10 trường đại học tốt nhất xét tuyển những game thủ có thành tích tốt. Các game thủ sẽ được học tại khoa Khoa học Thể thao của trường. Trước đây, những đối tượng được xét tuyển vào khoa này chỉ gồm vận động viên của các môn thể thao truyền thống như bóng đá, bóng rổ, bơi, golf... nhưng kể từ năm nay, game cũng sẽ được mở thêm như một ngành học chính quy khác.

Chương trình học mà chơi này hiện đang gặp nhiều ý kiến trái chiều. Phe ủng hộ cho rằng, các môn học “game” này được đưa ra nhằm nâng cao khả năng tư duy chiến thuật, tinh thần chiến đấu, tinh thần đồng đội cũng như nâng cao phản xạ của học sinh. Tại trường Garnes, học sinh buộc phải trải qua những bài học rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe để có thể giảm thiểu các tác hại khi ngồi trước màn hình máy tính trong thời gian dài. Người đại diện của những ngôi trường này cho biết, chương trình học mà chơi mới này còn giúp học sinh tìm hiểu lối sống của một vận động viên hàng đầu bao gồm việc ăn, ngủ, nghỉ, sinh hoạt giải trí và tập luyện. Từ đó, nhà trường mong muốn sẽ mang tới cái nhìn khách quan, đúng đắn nhất về bộ môn mới nổi này để học sinh có thể định hướng nghề nghiệp một cách chính xác. Họ muốn mang đến một chương trình giáo dục bám sát với xã hội đương thời và xóa bỏ đi định kiến tiêu cực về trò chơi điện tử. Tuy nhiên, hầu hết các bậc phụ huynh đều lo ngại chương trình này có thể mang tới các ảnh hưởng tiêu cực như khiến học sinh giảm sút trí nhớ, gia tăng các bệnh về mắt, tinh thần không ổn định. Nhiều nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng tỷ lệ béo phì ngày càng gia tăng do chơi trò chơi điện tử quá nhiều khiến học sinh thường ngồi lì một chỗ, rất ít vận động. Một số ý kiến còn cho rằng, các game dù là nội dung thể thao nhưng tiềm ẩn nhiều yếu tố kích động bạo lực hoặc hành vi thái quá gây ảnh hưởng không tốt trong việc hình thành nhân cách học sinh.

VIỆT LÊ

Tin cùng chuyên mục