Được tổ chức lần đầu năm 2018, cuộc thi viết được tổ chức hàng năm, nhằm ghi nhận, tôn vinh các nhà giáo có tình cảm, việc làm, thành tích tốt đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục; ghi nhận và tôn vinh những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy học và giáo dục học sinh… Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của thầy cô, học sinh, sinh viên trên cả nước, với nhiều tác phẩm chất lượng.
Năm 2020, cuộc thi được phát động và nhận bài dự thi từ tháng 9-2020. Ban Tổ chức đã nhận được gần 80.000 bài dự thi của các tác giả từ khắp các vùng miền trên cả nước. Mỗi một tác phẩm dự thi là một câu chuyện, một ký ức, một kỷ niệm, cảm xúc đẹp và đáng trân trọng về hình ảnh người thầy. Hình ảnh thầy cô giáo được thể hiện qua các góc nhìn đa chiều, đa diện. Song dù ở góc độ nào, mối quan hệ nào thì các tác phẩm đều mang đến những hình ảnh đẹp đẽ, thanh khiết và đáng trân trọng nhất về thầy cô, bạn bè dưới mái trường mến yêu. Nhiều người đã trở thành nhà giáo và đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông là do ảnh hưởng và được sự dìu dắt thuở ấu thơ từ thầy cô giáo của mình.
Ban giám khảo cuộc thi đã chọn 143 bài vào vòng chấm chung khảo, trao 16 giải, bao gồm 14 giải cá nhân (1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba và 8 giải khuyến khích) và 2 tập thể. Tác giả Phan Thị Thu Trang (giảng viên Học viện Chính trị Công an nhân dân) đoạt giải nhất cuộc thi với tác phẩm “Cô Hiền”.
Phát biểu tại buổi trao giải, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, sự đón nhận, hưởng ứng cuộc thi này của các tác giả cho thấy, mái trường và các thầy giáo, cô giáo đã để lại ấn tượng đẹp đẽ, sâu sắc, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh và các tầng lớp nhân dân.
“Đây là sự động viên to lớn, tạo động lực cho ngành giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa trong công việc nhiều vinh quang, nhưng cũng đẩy thử thách, đặc biệt bối cảnh chúng ta đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, các thầy cô giáo mang trọng trách to lớn trong đào tạo con người phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ, trở thành một công dân tốt. GD-ĐT đang đứng trước yêu cầu mới, càng đòi hỏi cao hơn về năng lực, nhân cách đội ngũ. Để hoàn thành trọng trách to lớn này, bên cạnh những chính sách tạo động lực, sự nỗ lực của bản thân mỗi nhà giáo, rất cần có sự đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ của toàn xã hội. Hình ảnh đẹp về thầy cô và mái trường được phản ánh trong các tác phẩm dự thi cần được nhân rộng lan tỏa hơn nữa.
Bên cạnh nội dung, Ban tổ chức còn đánh giá cao việc các tác giả trình bày tác phẩm dưới nhiều hình thức khác nhau.
Như tác giả Võ Tá Hùng Dũng, học sinh lớp 6/5 Trường THCS Lê Văn Thiêm, thành phố Hà Tĩnh hồi ức về quãng thời gian học tiểu học với 100 trang là những câu chuyện, kỷ niệm và hình ảnh thời tiểu học được trân trọng lưu giữ minh họa trong tác phẩm dự thi.
Tác giả Hoàng Mai Linh, học sinh lớp 11A6 Trường THPT Cẩm Phả, Quảng Ninh thiết kế cả giá gỗ khắc họa hình ảnh thầy cô và con thuyền để minh hoạ cho bài dự thi; tác giả Nguyễn Trung Kiên, Trường Đại học An ninh nhân dân với tác phẩm “Người thầy truyền lửa” được viết tay, trình bày trên chất liệu giấy Karft màu nâu vàng…