
Sau “trà chanh chém gió”, TPHCM lại rộ lên mô hình kinh doanh các mặt hàng đồ ăn, nước uống nhanh đem đi (take away), như bánh mì, cà phê, nước cam… Với ưu thế nguồn vốn ban đầu bỏ ra không nhiều, ít tốn diện tích mặt bằng, trào lưu kinh doanh “take away” đang thu hút giới trẻ, nhất là giới sinh viên.
Trải nghiệm
Dọc nhiều tuyến đường tại TPHCM xuất hiện hàng loạt các xe bán đồ ăn, thức uống làm nhanh cho khách hàng đem đi. Ghi nhận vào buổi sáng, các quầy hàng di động này luôn đón một lượng khách hàng đáng kể, chủ yếu là giới nhân viên văn phòng, học sinh. Ở đây có đủ chủng loại: cam tươi nguyên chất, bánh mì chả cá, cà phê, bánh ướt với mức giá bình dân, dao động từ 10.000-15.000 đồng/ly hoặc phần. Đa số người bán là thanh niên, sinh viên mới ra trường hoặc chờ việc. Nhìn chung, sự khác biệt giữa đồ ăn, thức uống mang tên “take away” so với các mặt hàng bình thường ở chỗ nhân viên bán hàng mặc đồng phục; xe đẩy hàng trông sạch sẽ, có ghi số điện thoại liên hệ. Đối với đồ ăn nhanh, khách hàng thường được tặng kèm khăn lạnh, tăm, trông bắt mắt, hợp vệ sinh.

Một điểm cà phê “take away” trên địa bàn TPHCM. Ảnh: THANH HẢI
Anh Nguyễn Văn Thành, nhân viên làm việc tại một công ty trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, cho biết: “Tuy không ghiền, nhưng mỗi buổi sáng tôi không uống cà phê là cả ngày làm việc không được. Trước đây, tôi thường ghé quán cà phê gần nhà trên đường Tân Sơn, quận Tân Bình ngồi uống hoặc chờ nhân viên pha chế xong rồi mua đem đi. Nhưng từ khi có mấy điểm bán cà phê nhanh trên đường Cộng Hòa, tôi không ghé quán cà phê gần nhà nữa. Tính ra vị cà phê, chất lượng ngang nhau, nhưng cà phê take away có phần rẻ hơn, người mua lại không phải chờ đợi mất thời gian”.
Bạn Văn Tèo, một người bán cà phê đem đi trên đường Cộng Hòa (gần siêu thị Maximark), chia sẻ, mỗi sáng nhóm bạn của Tèo chia nhau mỗi người bán cà phê tại một quận. Thay vì dùng xe đẩy, Tèo dùng xe máy, đựng sẵn các chai nước cốt, hoặc cà phê bột đã rang xay, cùng một số đồ lặt vặt (ống hút, ly nhựa, vài hộp sữa đặc…) thế là trở thành quầy hàng lưu động phục vụ khách. Tính trung bình mỗi sáng, Tèo bán được khoảng 20 - 30 ly, giá từ 10.000 - 12.000 đồng/ly, dù không lời nhiều nhưng số tiền khoảng 4-5 triệu đồng/tháng cũng đủ sống. Buổi chiều, Tèo có thể làm công việc khác để kiếm thêm tiền nuôi đứa em đang học đại học.
Khác với Văn Tèo, Ngọc Ánh, sinh viên Trường Đại học Văn hóa TPHCM cùng nhóm bạn chuyên bán nước ép trái cây tươi nguyên chất trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, thường kết thúc một ngày làm việc vào khoảng 22 giờ và bắt đầu công việc lúc 9 giờ sáng. Quán nước ép trái cây mà Ngọc Ánh làm việc có diện tích chưa tới 10m2, chỉ đủ kê được khoảng 3-4 bộ bàn ghế nhỏ, sức chứa khoảng 10-15 người. Do diện tích khiêm tốn, nên lượng khách hàng ghé quán mua nước ép đem về khá đông. Ngọc Ánh quan niệm: “Bán hàng chẳng khác nào làm dâu trăm họ. Mỗi ngày được trò chuyện, giao tiếp với hàng chục lượt khách khác nhau, đó cũng là sự trải nghiệm thú vị. Bên cạnh đó, việc ứng phó với những khách hàng khó tính, lúc mới vào nghề bị người bán hàng lừa mua trái cây dỏm… cũng giúp chúng tôi trưởng thành hơn”.
Lấy chất lượng làm đầu
Qua tìm hiểu, được biết, nguồn hàng của nhiều cửa hàng di động đều được chủ hàng tin tưởng mua qua người thân, hoặc các tiểu thương quen thuộc. Riêng đối với các mặt hàng trái cây để làm nước ép nguyên chất, sẽ được mua trực tiếp tại chợ đầu mối (Bình Điền, Thủ Đức…) thay vì mua qua trung gian. Tuy vậy, sản phẩm có đảm bảo chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm hay không lại phụ thuộc vào việc đánh giá cảm quan, cũng như niềm tin của người tiêu dùng đối với người bán.
Theo đánh giá chung của giới kinh doanh, phong cách bán hàng trực tiếp, đầy mới mẻ này của giới trẻ thể hiện sự năng động, nhanh nhạy. Nhưng, để duy trì, nhân rộng và phát triển thương hiệu thì lại là câu chuyện dài, một chiến lược kinh doanh bài bản, cụ thể hơn. Chuyên gia thị trường Ngô Đình Dũng, Giám đốc Công ty Tư vấn ISM cho rằng: “Để giữ được thương hiệu, người kinh doanh nhất định phải lấy chữ tín, chất lượng sản phẩm làm đầu. Mô hình kinh doanh take away nở rộ thời gian gần đây, có nhiều bạn trẻ đua nhau chạy theo. Ở góc độ cá nhân, tôi nhìn nhận rằng, mô hình này có thể khuyến khích các bạn trải nghiệm, lấy công làm lời để tạm trang trải cuộc sống thì được, chứ còn làm giàu, nhân rộng và phát triển thương hiệu thì không đơn giản. Bởi việc kinh doanh kiểu này ai cũng làm được; hơn nữa thị trường lụn vụn, phân mảnh. Chưa kể đối tượng khách hàng là người dễ tính, không kén chọn. Bằng chứng, người mua khá dễ dãi, sẵn sàng ghé vào lề đường để mua thức ăn, đồ uống đem về. Chính bản thân tôi, có lần gặp gỡ, bắt chuyện với một số bạn trẻ chuyên bán cà phê take away, họ không ngần ngại cho biết, nguồn hàng được lấy từ một công ty dịch vụ, chuyên bỏ sỉ nước cốt cà phê với giá ưu đãi. Ngược lại, nếu đặt hàng cà phê sạch, nguyên chất từ Tây Nguyên nhưng lại bán ở lề đường với giá bình dân thì rất khó kiếm lời”.
Có thể thấy rằng, một mô hình kinh doanh năng động, thu hút giới trẻ cần lắm sự đầu tư, trách nhiệm, tâm huyết của chính chủ nhân để tránh tình trạng kinh doanh sớm nở tối tàn như một số mô hình trước đó từng “chết yểu” như “trà chanh chém gió”. Dù kinh doanh nhỏ lẻ hay quy mô lớn thì chất lượng sản phẩm, phong cách phục vụ chính là yếu tố dẫn đầu để níu chân khách hàng.
GIA HÂN