Đặt hết tâm vào công việc
Nhắc đến anh Lê Văn Hồ (30 tuổi, cán bộ làm công tác cai nghiện tại cơ sở), người dân sinh sống trong các con hẻm tại phường 8, quận 4 (TPHCM) đều trầm trồ: Nhờ nó mà nhiều thanh niên nghiện ma túy trên địa bàn giờ có việc làm, biết giúp đỡ gia đình.
Gặp anh Hồ, chia sẻ, anh cười hiền lành bảo: “Người nghiện bản thân họ bị tổn thương rất nhiều, nên khi mình dùng sự chân tình để đối xử thì sẽ giúp họ tin tưởng và thức tỉnh. Mỗi người có một hoàn cảnh nên tôi phải tìm hướng xử lý, giải quyết khác nhau”.
Anh Hồ nhớ lại, năm 2012 khi còn phụ trách nhiều lĩnh vực, lần đó anh T. (một thầu xây dựng) phải đi cai nghiện theo diện bắt buộc, anh T. xin phép được về phát lương cho công nhân rồi sẽ trở lại trung tâm, nhưng vì quyết định đã được công bố nên anh buộc phải lên xe đi. Sau thời gian cai nghiện, anh T. về, anh Hồ đến thăm hỏi, khi biết anh T. vì bị bắt đi cai đột ngột, không trả được lương cho công nhân nên giờ đây, uy tín của anh T. mất hết, muốn làm lại cuộc sống ngày xưa cũng khó. Từng lời tâm sự của T. làm anh Hồ như bừng tỉnh.
“Phải chi khi ấy tôi gặp anh T. để nắm bắt tình hình kỹ hơn thì khi đi cai về, anh T. vẫn còn uy tín, cơ hội để làm lại cuộc đời”, anh Hồ tâm sự.
Sau lần đó, khi tiếp xúc người nghiện, anh Hồ đều tìm hiểu kỹ cuộc sống gia đình, tâm tư tình cảm để có hướng hỗ trợ thích hợp.
Cách của anh là lần đầu đến nhà không gặp thì lại đến lần 2, lần 3…, cho đến khi gặp. Nhờ gặp gỡ, chuyện trò, anh Hồ dần giúp người nghiện hiểu, rồi hợp tác, tin tưởng và tự nguyện đi cai. Anh Hồ còn tích cực kiếm việc làm cho họ khi về với cộng đồng. Căn phòng nhỏ nằm trong con hẻm, nơi anh Hồ ngày ngày đến làm việc, không chỉ là nơi anh tiếp nhận hồ sơ, tư vấn cai nghiện, mà anh Hồ còn mở tiệm dán xe để anh em đi cai về có chỗ làm việc, học nghề. Chính cách đối xử như anh em trong nhà, tin tưởng giao việc, giao cả chiếc xe máy của mình để người sau cai có phương tiện chạy xe ôm của anh Hồ đã giúp người nghiện và người sau cai có thêm động lực làm lại cuộc đời.
“Tôi nghiệm ra, khi trao niềm tin thì mình sẽ nhận lại được lòng tin”, anh Hồ bày tỏ.
Đến nay, anh Hồ đã hỗ trợ 47 người cai nghiện thành công (2 năm không tái nghiện), 45 người đang quản lý trong 3 tháng chưa có dấu hiệu tái nghiện. Thành quả ấy đã bù lại cho những ngày làm việc từ sáng sớm đến 9, 10 giờ đêm, có khi 2 giờ sáng đã dậy để đưa người đi cai nghiện…
“Nhận việc thì phải làm hết sức”
Hơn tháng qua, người dân tại tổ 6, khu phố 1, phường Cô Giang (quận 1, TPHCM) rất quen thuộc với hình ảnh ông tổ trưởng Phước (tên thân mật mọi người hay gọi, còn tên ông là Trần Tiến Quân, 57 tuổi), lúc thì ngồi quán cà phê cóc ven đường, khi thì đến tận nhà người dân để hướng dẫn, giúp bà con ghi phiếu thu thập thông tin dân cư. Có khi mới sáng sớm, ông đã ngồi ở quán chờ người dân đến khai thông tin, lúc thì tối mịt ông còn đến gõ cửa nhà để vào gặp khi họ đi làm về.
Thay vì gửi giấy rồi hướng dẫn người dân tự khai, ông Phước và công an khu vực lại làm cách khác: ngồi cùng dân để dân vừa khai, công an vừa đối chiếu giấy tờ và ông Phước điền thông tin vào giấy. Ông Phước bảo, việc thu thập thông tin này rất quan trọng, cần sự chuẩn xác, bản thân ông được tập huấn còn có khi ghi sai sót thì huống chi người dân. Vậy nên ông tổ trưởng ấy chịu cực một chút, tốn nhiều thời gian hơn để giúp người dân hoàn thiện bản kê khai một cách nhanh chóng và chính xác.
Ông Phước (trái) ghi phiếu thu thập thông tin giúp người dân
Riêng những trường hợp có hộ khẩu tại tổ nhưng đã chuyển nhà đi nơi khác, ông cũng điện thoại và hẹn gặp để lấy thông tin. Chính nhờ sự tận tâm của ông Phước mà chỉ sau một tháng, tất cả 260 nhân khẩu của tổ 6 đã thực hiện xong phiếu thu thập thông tin một cách thuận lợi nhất.
Hơn 1 năm kể từ khi ông Phước đảm đương vị trí tổ trưởng, người dân nơi đây luôn thấy ở ông sự tận tâm với công việc. Từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn trong tổ, ông đều có mặt để giúp người dân giải quyết ổn thỏa. Với ông Phước, đã không nhận việc thì thôi, đã nhận thì phải làm hết sức mình.
Ông Phước chia sẻ: cái khó của người tổ trưởng là phải hòa đồng, không thiên vị, không nề hà khó khăn, tùy hoàn cảnh mỗi gia đình mà có cách cư xử cho phù hợp. Ông luôn tâm niệm, là tổ trưởng thì phải làm sao để tình cảm bà con trong làng xóm ngày càng thắt chặt.