Trao quyền nhiều hơn cho cán bộ quản lý

Dự thảo xây dựng bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” đang được Sở GD-ĐT TPHCM lấy ý kiến rộng rãi các sở ngành, đơn vị trường học trên địa bàn TPHCM. Trong đó, cả 3 tiêu chí gồm môi trường nhà trường, triển khai tổ chức dạy học và hoạt động giáo dục, các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường đều tập trung nhấn mạnh vai trò của người cán bộ quản lý.

Bà Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5), cho biết, trong bối cảnh trường học đang triển khai cuốn chiếu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, công tác quản trị nhà trường đứng trước nhiều khó khăn - từ khâu tổ chức cho học sinh lựa chọn môn học đến việc xếp lớp, phân công giáo viên giảng dạy, xây dựng thời khóa biểu…

Cùng quan điểm, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) Bùi Minh Tâm bày tỏ, chương trình mới đã và đang trao quyền nhiều hơn cho lãnh đạo trường học. Hiện nay, cán bộ quản lý trường học được ví như người chủ doanh nghiệp. Thay vì quản lý trường học theo kiểu tiếp nhận, điều phối công việc theo quy định chung như trước đây, thì nay, với yêu cầu đổi mới, đòi hỏi người đứng đầu cơ sở giáo dục phải quyết định và chịu trách nhiệm hoàn toàn về chương trình nhà trường, các mục tiêu giáo dục. Điều này mở ra cơ hội cho các nhà quản lý phát huy tối đa năng lực, khả năng sáng tạo, từ đó xây dựng môi trường giáo dục tích cực và hiệu quả, song cũng tạo ra áp lực cho các nhà trường về kết quả giáo dục.

Theo chia sẻ của nhiều lãnh đạo trường học, một trong những yếu tố then chốt giúp trường học thành công khi triển khai chương trình mới là tinh thần làm việc của tập thể, sự đồng thuận và ủng hộ của đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, trong điều kiện giáo viên còn chênh lệch nhiều về trình độ, năng lực chuyên môn, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, người đứng đầu đơn vị phải có biện pháp thu hẹp khoảng cách chênh lệch, đồng thời linh hoạt, khéo léo, kiên định trong việc thay đổi nhận thức, tư duy của các thầy cô giáo.

Tin cùng chuyên mục