Trao quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM

Chiều 23-2, Trường ĐH Nông lâm TPHCM tổ chức lễ công bố và trao quyết định công nhận hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020-2025. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trao quyết định công nhận hiệu trưởng trường cho PGS-TS Nguyễn Tất Toàn. Tiếp đó, Bộ trưởng đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của trường.

bo-truong-bo-gd-dt-nguyen-kim-son-trao-quyet-dinh-cong-nhan-hieu-truong-cho-pgs-ts-nguyen-tat-toan-6795-2257.jpg
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trao quyết định công nhận hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM cho PGS-TS Nguyễn Tất Toàn

Theo báo cáo của nhà trường, giảng viên của trường hiện thu nhập thấp nhất là 6,5 triệu đồng/tháng. Tỷ lệ nguồn thu của khoa học công nghệ là 3% tổng doanh thu của trường. Số liệu thống kê của trường năm 2023, tỷ lệ sinh viên nhập học cao nhất là Đông Nam Bộ với 47,7%, Tây Nam Bộ 32,1%, các tỉnh miền Trung 16,1%, Tây Nguyên 6,4% và còn lại ở các tỉnh miền Bắc.

Từ kết quả tuyển sinh năm 2023, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cho biết, lĩnh vực khó khăn nhất của trường chỉ ở lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp và sư phạm, trong khi các lĩnh vực khác đang có sự phát triển tốt các năm qua. Ngay trong giai đoạn dịch Covid-19 nhưng trường vẫn có sự phát triển vượt bậc. Tương ứng với tuyển sinh, đội ngũ của trường phát triển mạnh. Tuy nhiên, gần 22% cán bộ giảng viên có trình độ tiến sĩ là khá thấp so với mặt bằng chung của cả nước và khu vực. Do vậy, mức độ cạnh tranh của trường tương đối khó khăn, đặc biệt khi các trường tư thục đang có chính sách thu hút nhân tài mạnh mẽ.

Để giải quyết nâng cao trình độ cho đội ngũ, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy nêu ví dụ như Đề án 89 (Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030 của Chính phủ). Trường cần chú ý thêm để tăng cơ hội phát triển đội ngũ.

Sau khi lắng nghe ý kiến của tập thể cán bộ nhà trường, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Trường phải xác định lại định hướng đa ngành, đa lĩnh vực, điểm sở trường, trung tâm và cốt lõi của mình. Mở rộng nhưng không quá rời xa lĩnh vực sở trường, thế mạnh của mình. Cùng với đó, trường cũng cần cân nhắc về định hướng trở thành trường ĐH định hướng nghiên cứu.

Cũng theo Bộ trưởng, một trường ĐH nghiên cứu cần tỷ lệ đào tạo sau ĐH tới 50%. Với 1.200 học viên sau ĐH trên tổng quy mô 20.000 người học, bao giờ trường sẽ vượt qua tỷ lệ 30% để tiến tới 50% của một trường ĐH nghiên cứu.

Chưa kể, nguồn thu từ khoa học công nghệ cũng cần tới 30-50% tổng nguồn thu của trường. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường hiện khoảng 22%, trong khi một trường ĐH nghiên cứu cần tới 80-100%... Còn nếu chú trọng thế mạnh đào tạo kỹ sư thì phát minh, sáng chế, chuyển giao khoa học công nghệ là rất quan trọng. Trường cần rất thận trọng trong xác định hướng đi.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, yêu cầu cấp bách nhất của trường hiện nay là cần phải tái sắp xếp các chương trình, ngành nghề đào tạo trên cơ sở phân tích đào tạo đối tượng, lĩnh vực nào. Việc sắp xếp phải dựa trên cơ sở phân tích nhu cầu người học, nhu cầu việc làm, đầu ra chứ không phải do ngành nghề đó nhiều giáo sư hay tuyển sinh tốt.

Tin cùng chuyên mục