Trong 6 năm liên tiếp, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) cũng như số người chết và bị thương vì TNGT tại TPHCM đã giảm. Tuy vậy, TPHCM đã có thể an tâm với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông hay chưa? Xung quanh vấn đề này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM. Ông Nguyễn Ngọc Tường cho biết:
Đủ khả năng xử lý tình huống bất ngờ
TPHCM đã triển khai rất nhiều giải pháp từ tuyên truyền, giáo dục người dân hiểu và chấp hành nghiêm luật giao thông đến tăng cường kiểm tra nồng độ cồn và việc vi phạm tốc độ đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Đặc biệt năm nay, thành phố đã bám sát chủ đề “Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” nên đã đặt trạm cân tại các cảng và các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn TPHCM.
Đồng thời, các lực lượng chức năng cũng tăng cường tuần tra di động trên các tuyến đường nhằm kịp thời phát hiện và xử lý xe quá tải… Kết quả, so với trước đây lượng xe chở quá tải đã giảm, đặc biệt là xe chở hàng đường dài. TPHCM đã tiếp tục lắp đặt dải phân cách tách bạch 2 hướng lưu thông, tránh tình trạng xe lưu thông đối đầu nhau gây tai nạn (nguyên nhân gây TNGT hàng đầu ở thành phố)…
Hơn nữa, là một trung tâm kinh tế của cả nước, lượng người từ các tỉnh khác đến sinh sống và làm việc ở TPHCM rất đông, chưa kể những khách vãng lai. Người đông tất yếu mật độ giao thông đông, sự phức tạp này có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình trật tự an toàn giao thông của thành phố. Do vậy, nếu nói đã có thể an tâm với kết quả đạt được thì chưa, nhưng tôi có thể khẳng định tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố đang nằm trong tầm kiểm soát, và lực lượng chức năng hoàn toàn có thể xử lý kịp thời các tình huống bất ngờ nảy sinh trong thực tế.
- Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, những năm gần đây do việc đào đường để lắp đặt hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ bản đã hoàn thành; kinh tế khó khăn, lượng công nhân nhập cư vào thành phố làm việc giảm… Thực tế này đã góp phần rất lớn vào kết quả chống ùn tắc giao thông nêu trên của thành phố. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
>> Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Nhiều dự án đào đường lắp đặt hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các quận trung tâm cơ bản hoàn thành đã làm cho đường thông thoáng hơn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những nỗ lực của các sở ngành chức năng và 24 quận, huyện đã có nhiều giải pháp cụ thể để kéo giảm ùn tắc giao thông. Hiện nay, trong giờ cao điểm ở những khu vực thường xảy ra ùn ứ giao thông đều có lực lượng chức năng tham gia điều tiết giao thông.
6 tháng đầu năm nay, TPHCM cũng đã điều chỉnh tổ chức giao thông tại 12 khu vực như sân bay Tân Sơn Nhất, đường Điện Biên Phủ, đường Trường Sơn..., tiến hành cải tạo kích thước hình học, mở rộng tầm nhìn đảm bảo an toàn giao thông tại 9 giao lộ như: Lý Thường Kiệt - Bắc Hải (quận 10); Trường Chinh - Tân Sơn Nhì, Trường Chinh - Ấp Bắc (quận Tân Bình); cải tạo khu vực đường chui dạ cầu Giồng Ông Tố (quận 2)... Ban An toàn giao thông TPHCM đã cùng các đơn vị liên quan tiến hành nhiều chương trình tuyên truyền vận động người dân hiểu và chấp hành nghiêm luật giao thông, ý thức chấp hành luật giao thông của người dân vì thế cũng đã được nâng cao… Tất cả những yếu tố này đã góp phần tạo nên kết quả nêu trên.
Nỗi lo nón bảo hiểm dỏm, chợ xuống đường...
- Theo ông, những tồn tại lớn nhất hiện nay của thành phố về trật tự an toàn giao thông là gì?
Tồn tại thì nhiều nhưng theo tôi có mấy tồn tại lớn cần lưu ý như: Chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cũng như công tác quản lý, giám sát quá trình hoạt động của lái xe ô tô tuy đã có nhiều cải tiến, khắc phục nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Tình trạng các phương tiện giao thông chở hàng quá tải vẫn xảy ra phổ biến, gây ảnh hưởng đến các công trình cầu, đường bộ và an toàn của người tham gia giao thông.
Hiện nay, vẫn còn nhiều cảng chưa thực hiện việc đặt trạm cân kiểm soát tải trọng của xe trước khi xuất cảng. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự lòng lề đường tại một số địa phương được duy trì nhưng chưa thường xuyên; tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, kinh đoanh, đậu xe không đúng quy định vẫn diễn ra ở nhiều nơi, trên nhiều tuyến đường…
Bên cạnh đó, việc sản xuất, buôn bán nón bảo hiểm giả, kém chất lượng vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa được các cơ quan chức năng giải quyết triệt để; một số người tiêu dùng chưa ý thức được tầm quan trọng trong việc chọn mua và sử dụng nón bảo hiểm đạt chất lượng, có tình trạng đội nón chủ yếu để đối phó với lực lượng chức năng...
- Như vậy, giải pháp để khắc phục các tồn tại này là gì, thưa ông?
Ban An toàn giao thông TPHCM sẽ chủ động đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền về các giải pháp “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”. Song song đó sẽ phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố xây dựng và phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong các đơn vị kinh doanh vận tải, quan tâm, chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động trong ngành vận tải, đặc biệt là đội ngũ lái xe, trên cơ sở đó vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức và văn hóa tham gia giao thông an toàn cho lái xe. Tổ chức chiến dịch tuyên truyền theo các chuyên đề: đội nón bảo hiểm đạt chất lượng; phòng, chống uống rượu bia đối với lái xe...
Sở Giao thông Vận tải sẽ khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của ô tô để xử lý vi phạm đối với chủ xe, lái xe cũng như xác định trách nhiệm liên quan của cơ quan quản lý nhà nước và người thực thi công vụ. Công bố doanh nghiệp có nhiều xe vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp dữ liệu và thông tin cho lực lượng cảnh sát giao thông xử lý ngay các xe vi phạm tốc độ cao, chở hàng quá khổ, quá tải... tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT. Chính quyền các địa phương sẽ nỗ lực, kiên trì hơn nữa trong việc giữ trật tự lòng lề đường.
- Cảm ơn ông!
| |
NGUYỄN KHOA (thực hiện)