Có một điều rất đáng suy ngẫm trong tuyên bố không tập trung đội tuyển cầu lông Malaysia chuẩn bị cho SEA Games 26 của tay vợt số 1 thế giới Lee Chong Wei: “Tôi thích được nhìn thấy các tay vợt trẻ tranh tài ở đấu trường này.
Nếu tôi dự, ít nhất 1 tay vợt trẻ khác mất cơ hội thi đấu. Tôi xin đánh đổi cơ hội của mình cho các tay vợt trẻ và hy vọng họ sẽ học được nhiều điều để trưởng thành hơn. Đấy là thế hệ kế cận của chúng tôi - những tay vợt đang ở cuối sự nghiệp”.
SEA Games là đấu trường nhỏ, chẳng cần huy động lực lượng hùng hậu nhất của mỗi quốc gia để tham gia. Phía trước còn đầy rẫy những sân chơi cao cấp và danh tiếng hơn, là các giải Super Series, thế giới hay Olympic. Và đẳng cấp của Lee Chong Wei nếu đánh ở SEA Games cũng chẳng giúp cầu lông Malaysia tăng thêm “điểm danh vọng” trong khu vực. Ai cũng hiểu, Malaysia, Indonesia là 2 cường quốc cầu lông của thế giới rồi.
Thực ra, đây không phải lần đầu Lee Chong Wei xin không tập trung ĐTQG dự SEA Games. 2 kỳ trước (năm 2007 và 2009), Lee cũng đã “né” để dồn sức cho các giải đấu quan trọng hơn như Olympic Bắc Kinh 2008 và Asian Games 2010, rồi giải VĐTG 2010. Và như mọi người đều thấy, đội tuyển Malaysia không hề yếu dù xuất hiện trong đội hình nhiều gương mặt trẻ.
Suy rộng ra một chút, thể thao Malaysia đúng là đang đi theo hướng khác hẳn so với nhiều quốc gia trong khu vực, nghĩa là trẻ hóa hầu hết các đội tuyển dự đấu trường SEA Games và đã đạt được những thành công nhất định. Đội tuyển U23 vô địch SEA Games 25 với nhiều cầu thủ thuộc lứa U21. Đội tuyển điền kinh cũng trình làng nhiều VĐV trẻ giàu tiềm năng ở các cự ly trung bình, nhảy cao và các môn phối hợp như Mohd Jironi Riduan, Mathialagan, Lee Hup Wei. Thành viên của đội tuyển xe đạp Malaysia cũng trẻ, thậm chí có người mới ở tuổi 18…
Đối với thể thao Malaysia, tìm kiếm danh vọng ở SEA Games không còn là điều quá quan trọng nữa. Hướng đến những sân chơi, mục tiêu lớn hơn ở châu Á, thế giới hay Olympic mới là cách đầu tư cho thể thao hiện đại và chuyên nghiệp. Thành ra, sự chuyển mình của thể thao Malaysia vài năm trở lại đây rất khác nhờ vào những gương mặt trẻ tài năng. Người Malaysia mạnh dạn trao cơ hội cho VĐV trẻ, có nghĩa họ tin tưởng vào một tương lai trẻ trung và hừng hực khí thế của thể thao nước nhà.
Ở đẳng cấp của mình, tay vợt Lee Chong Wei chỉ chọn những giải đấu cao cấp tham dự, vừa giữ gìn danh tiếng của ngôi sao, vừa kiếm thêm thu nhập từ những giải thưởng dành được. “Cơ hội nên trao cho người trẻ tuổi. Họ là chỗ dựa của thể thao Malaysia ở ngày mai. Định hướng này đã có từ vài năm trước và chúng tôi thực ra đang hiện thực hóa điều đó. Đấu trường SEA Games suy cho cùng chỉ là bước đệm đầu tiên cho các VĐV mong muốn tạo lập danh tiếng ở đấu trường lớn hơn”, Lee Chong Wei bày tỏ.
Nói như Lee Chong Wei, việc phân cấp lực lượng dự tranh các đấu trường quốc tế là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của cả một nền thể thao. Người xuất chúng gánh vác trọng trách ở những cuộc tranh tài lớn, người có năng lực khá và trẻ dành cho đấu trường thấp hơn. Điều đó vừa kích thích thế hệ kế cận tiến bộ, vừa giảm sức ép cho những ngôi sao đã thành danh, không quá vướng bận bởi những sân chơi nhỏ, để dành sức cho các cuộc tranh tài đỉnh cao khác.
Từ câu chuyện của Lee Chong Wei, liên tưởng đến chuyện của thể thao Việt Nam, mà thấy chạnh lòng. Ở mọi đấu trường, mọi cấp độ, các VĐV Việt Nam thuộc diện tài năng xuất chúng thì mỗi năm vẫn phải thi đấu ở nhiều cấp độ giải, từ nhỏ đến lớn. Từ SEA Games đến Asian Games, giải VĐTG rồi Olympic. Tất cả cũng chỉ vì căn bệnh trầm kha: bệnh thành tích!
LÊ QUANG