Tri thức về nghề báo cũng không có giới hạn

Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2020), phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện với nhà báo lão thành Hà Đăng (ảnh), nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nguyên Trợ lý Tổng Bí thư. Ở tuổi 91, câu chuyện của ông vẫn đầy tính thời sự đối với hoạt động báo chí ở Việt Nam hiện nay. 
Tri thức về nghề báo cũng không có giới hạn

* PHÓNG VIÊN: Với sự từng trải của cuộc đời làm báo, ông nghĩ gì về nghề báo hiện nay?

* Nhà báo HÀ ĐĂNG: Năm 1947, khi mới 18 tuổi, tôi có bài báo đầu tiên được đăng trên tờ báo địa phương là Báo Phấn Đấu, tiền thân của Báo Phú Yên bây giờ. Đó là bài viết “Tâm sự đồng bạc trong két sắt”. Lúc đó, việc tuyên truyền quần chúng ủng hộ tài lực cho kháng chiến được chú trọng. Nhưng ở xã Bình Kiến quê tôi (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) có một địa chủ tính rất tham lam, không chịu đóng góp.

Bài viết thông qua thân phận đồng bạc để nói rằng, đồng bạc ở trong tay người nghèo thì chuyển thành vũ khí, lương thực cho bộ đội, còn đồng bạc của nhà giàu thì nằm im trong két sắt, vẫn là đồng bạc nhưng nó cảm thấy vô dụng quá. Duyên nợ làm báo có lẽ bắt đầu từ bài viết này và từ đó, tôi thấy vai trò tích cực của báo chí đối với công tác tuyên truyền. 

Tôi trải qua nhiều cơ quan báo chí trong cả 2 cuộc kháng chiến cho đến thời kỳ Đổi mới của đất nước. Gắn bó lâu nhất, làm báo nhiều nhất là với Báo Nhân Dân, từ một phóng viên chuyên viết về nông thôn cho đến vị trí Tổng Biên tập. Cùng với làm báo, tôi còn làm nhiều việc khác, từ nghiên cứu lý luận cho đến tham gia soạn thảo các văn kiện, diễn văn… Nhưng chung quy lại, mọi người nhớ đến tôi, biết đến tôi với tư cách một nhà báo. Đó là niềm vinh dự lớn đối với tôi. 

Nhìn lại lịch sử nền báo chí cách mạng Việt Nam, tôi cho rằng, nghề báo là một nghề vinh quang. Báo chí cách mạng Việt Nam thực sự là một “binh chủng” quan trọng trên mặt trận tư tưởng của Đảng và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Báo chí đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Để có được vinh quang đó, các nhà báo luôn phải có bản lĩnh chính trị, có đức và có tài.

Đặc biệt, mỗi nhà báo phải luôn học tập để nâng cao trình độ, kiến thức, rèn luyện kỹ năng chuyên môn của mình. Bởi tri thức của loài người, của xã hội là vô tận. Tri thức về nghề báo cũng không có giới hạn. “Học, học nữa, học mãi” như Lênin nói và Bác Hồ dẫn lại, không phải lời khuyên về đạo lý mà là phương châm hành động. Với nhà báo, ngày nào còn “cầm bút” là ngày đó còn phải học tập, rèn luyện.

* Trong xã hội hiện đại, nghề báo đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Khái niệm về “nhà báo chân chính” liệu có khác xưa không, thưa ông?

* Đúng là với sự phát triển của khoa học - công nghệ, hoạt động báo chí bây giờ khác rất nhiều so với trước đây. Từ cách tác nghiệp của mỗi nhà báo, việc tìm kiếm, xử lý tài liệu, cho đến hoạt động in ấn, phát hành. Ngay câu chuyện kinh tế báo chí, hay nhiều người gọi là hoạt động “thương mại báo chí” cũng thay đổi sâu sắc. Nhưng theo tôi, dù thế nào thì vấn đề bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo vẫn nguyên giá trị. Bởi đó chính là điều cốt lõi đem lại vinh quang cho nghề báo. 

* Nhà báo luôn phải mang trong mình khát vọng có những bài báo hay, được bạn đọc yêu thích và phục vụ lợi ích chung của đất nước, của dân tộc. Phải có khát vọng thì mới có động lực phấn đấu. Để có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, người làm báo phải nắm chắc, thấm nhuần chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, phải lăn xả vào cuộc sống; bởi không dấn thân, trải nghiệm cùng thực tế, nhà báo sẽ không có gì để viết. Thái độ chân chính nhất ở người làm báo là phải tự đánh giá đúng về mình.

Đối với các nhà báo trẻ thì cần tránh “bệnh ngôi sao”, với các nhà báo lớn tuổi thì không nên nhìn nhà báo trẻ bằng ánh mắt hoài nghi, thiếu tin tưởng, mà cần phải bồi dưỡng họ, bởi đây chính là đội ngũ sẽ gánh vác sự nghiệp của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

* Theo ông, đâu là “tính Đảng” trong báo chí hiện nay?

* Trước hết, chúng ta cần phải nói rõ, “tính Đảng” ở đây không phải là nói về Đảng, hay chỉ những nội dung trên các tờ báo do Đảng lập ra để phục vụ sự nghiệp cách mạng. Tính Đảng chính là cương lĩnh hành động, phương hướng căn bản của sự tự do và sáng tạo của nền báo chí chúng ta; là sự nghiệp trọng đại thử thách bản lĩnh, môi trường phát triển và hiệu quả của nền báo chí đất nước.

Nói cách khác, tính Đảng chính là tính chiến đấu, sự phản ánh trung thực, việc bảo vệ lẽ phải, chung tay xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc… của hoạt động báo chí. Nghĩa là tất cả các tờ báo, các nhà báo cách mạng Việt Nam đều có quyền và trách nhiệm nêu cao tính Đảng trong hoạt động của mình, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì sự phát triển và vững mạnh của đất nước Việt Nam. 

* Một ví dụ điển hình là với công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay. Không nhất thiết phải báo Đảng, mà nhiều tờ báo, nhà báo của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp với chức năng, tôn chỉ, mục đích hoạt động của mình đã tham gia dưới nhiều hình thức, góc độ khác nhau, đem lại hiệu quả lớn. Các tờ báo đã chuyển tải một cách trung thực những tư tưởng và nội dung chủ yếu nhất của đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đến tận người dân, tạo nên một phong trào nhân dân ủng hộ và thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng.

* Các nhà báo đã đi sâu vào cuộc sống, vừa phát hiện những tấm gương tốt, những điển hình tốt để biểu dương, vừa thông qua thực tiễn mà góp phần phê phán những việc làm không đúng, sai trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, đồng thời cũng qua phản ứng của nhân dân, của dư luận xã hội mà kiến nghị với Đảng khắc phục những khiếm khuyết từ bản thân các chủ trương, chính sách, cả những khiếm khuyết trong chỉ đạo thực hiện…

Qua báo chí, hàng loạt vụ việc đã được phát hiện, phanh phui để các cơ quan thực thi kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước vào cuộc xử lý. Với những tiêu chí mới đề ra cho cán bộ các cấp, công tác nhân sự Đại hội XIII có nhiều hứa hẹn. Đó là cái được lớn nhất của Đảng ta, với tư cách là chủ thể của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Và báo chí, với tư cách là người tham gia, cũng chưa bao giờ lại đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh xây dựng, chỉnh đốn Đảng đến như vậy.

* 95 năm là một chặng đường dài và vẻ vang của nền báo chí cách mạng Việt Nam, bằng kinh nghiệm của mình, ông nhắn nhủ gì với những người làm báo trẻ hôm nay?

* Làm báo khó nhất là viết hay, bởi muốn viết hay đòi hỏi nhà báo phải có phương pháp tìm tòi đề tài, phương pháp thâm nhập thực tế, cách thức thể hiện tác phẩm, và đặc biệt phải có vốn kiến thức vừa chuyên sâu, vừa toàn diện. Có hai loại bệnh cần tránh là bệnh tự cao tự đại và bệnh tự ti. Người mắc bệnh tự cao, tự đại khi viết được một bài báo hay, được giải thưởng này, giải thưởng nọ thì đã vội cho mình là giỏi, là không cần học ai nữa. Người mắc bệnh tự ti thì ngược lại, gặp một vài thất bại, một số bài viết dở không được đăng, đã mất tự tin, sinh chán nản, muốn bỏ nghề.

Mỗi người làm báo, dù viết theo đề tài nào, đều cần hiểu rằng, bản lĩnh chính trị, đạo đức và tài năng không phải bẩm sinh, tự trên trời rơi xuống, mà là kết quả của sự khổ công học tập, rèn luyện qua các trường, lớp đào tạo báo chí và qua thực tiễn công tác. Đặc biệt, nghề báo với những người làm báo hôm nay cần chủ động tiếp thu, làm chủ và phát huy thế mạnh khoa học - công nghệ trong nghề nghiệp của mình. Bởi nếu không theo kịp sự phát triển của thời đại, chúng ta sẽ bị thụt lùi và cuối cùng là bị lạc hậu, “bị loại” khỏi dòng chảy xã hội hiện đại.

* Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục