Triệt phá đường dây lừa đảo trúng thưởng qua điện thoại

Sau khi chiếm đoạt được tiền của người bị hại, các đối tượng sẽ vứt sim "rác" hoặc thêm vào danh sách hạn chế của điện thoại để người bị hại không thể liên lạc được nữa.

Các đối tượng tại cơ quan Công an. Ảnh Công an Hà Tĩnh cung cấp
Các đối tượng tại cơ quan Công an. Ảnh Công an Hà Tĩnh cung cấp

Ngày 23-12, thông tin từ Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra vừa khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, tạm giữ hơn 20 đối tượng (quê ở tỉnh Hà Tĩnh), thu giữ 1 máy tính, 56 điện thoại, 8 thẻ ATM, gần 100 triệu đồng tiền mặt, nhiều tài sản có giá trị hàng trăm triệu đồng và nhiều tài liệu giấy tờ liên quan.

 Trước đó, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Tĩnh phát hiện trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 10 ổ nhóm với hơn 30 đối tượng lừa đảo qua điện thoại, hoạt động chuyên nghiệp trong thời gian dài, móc nối với các đối tượng chuyên tiêu thụ tài sản ở nhiều địa bàn khác nhau hình thành một đường dây tội phạm có tổ chức, chuyên nghiệp.

Để đấu tranh bóc gỡ đường dây này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh, ngày 13-6-2019, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Công an huyện Kỳ Anh đồng chủ trì xác lập chuyên án mang bí số LĐ0619, tập trung đấu tranh làm rõ.

 Sau quá trình điều tra, xác minh, ngày 13-12, ban chuyên án quyết định phá án, các lực lượng đã đồng loạt tiến hành bắt giữ 20 đối tượng, khám xét 20 địa điểm khác nhau, triệu tập 12 đối tượng khác nhau trong đường dây (trong đó có 26 đối tượng lừa đảo, 6 đối tượng tiêu thụ), thu giữ 1 máy tính xách tay, 56 điện thoại, 8 thẻ ATM, gần 100 triệu đồng tiền mặt cùng nhiều tài sản có giá trị hàng trăm triệu đồng và nhiều tài liệu giấy tờ liên quan.

 Theo Công an tỉnh Hà Tĩnh, đối tượng lừa đảo mua các thẻ sim “rác” không đăng ký chính chủ, gọi điện thoại cho người bị hại tự xưng là nhân viên ngân hàng, nhân viên hoặc người có chức vụ của các nhà mạng…, thông báo số thuê bao của người bị hại trúng thưởng một gói quà trị giá hàng trăm triệu đồng bao gồm hiện vật là xe máy có giá trị lớn như SH, Air Blade…, cùng với tiền mặt. Để nhận được giải thưởng, các đối tượng yêu cầu người bị hại phải làm hồ sơ nhận thưởng bằng các chuyển tiền với hình thức mua nhiều thẻ cào điện thoại có giá trị nhắn tin cho đối tượng. Nhằm tạo sự tin tưởng cho người bị hại, đối tượng sẽ cho người bị hại số điện thoại của đồng bọn nói rằng người này cũng trúng thưởng giống như bị hại, đồng thời yêu cầu bị hại không được nói cho ai biết nếu không sẽ cắt giải thưởng.

Tiếp đó, đối tượng yêu cầu người bị hại phải chuyển tiền gồm các loại phí vận chuyển, hoa hồng cho người thông báo trúng thưởng, phí tổ chức sự kiện trao thưởng, trích tiền làm từ thiện… Tất cả đều dưới hình thức chuyển thẻ cào điện thoại cho các đối tượng (một số trường hợp khác thì các đối tượng yêu cầu bị hại chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng do đối tượng chỉ định).

Sau khi người bị hại đã chuyển tiền, một số đối tượng khác (đồng bọn) dùng sim rác gọi điện giải danh là cán bộ Sở GTVT, CSGT yêu cầu người bị hại tiếp tục chuyển tiền làm biển số xe (xe trúng thưởng) bằng cách mua thẻ cào điện thoại. Để tạo thêm lòng tin của người bị hại, các đối tượng nói là người bị hại được chọn màu xe, biển số xe (biển số đẹp). Khi người bị hại chuyển thông tin thẻ cào thì sẽ nhắn tin hoặc đọc cho các đối tượng các thông tin bao gồm mã thẻ cào, số seri…

Triệt phá đường dây lừa đảo trúng thưởng qua điện thoại ảnh 1 Các đối tượng tại cơ quan Công an. Ảnh Công an Hà Tĩnh cung cấp
Sau khi chiếm đoạt được tiền của người bị hại các đối tượng sẽ vứt sim "rác" hoặc thêm vào danh sách hạn chế của điện thoại để người bị hại không thể liên lạc được nữa.

Các đối tượng lừa đảo sau khi được mã thẻ và số seri của thẻ cào điện thoại của người bị hại thì sẽ bán cho các đối tượng tiêu thụ với giá rẻ hơn nhiều so với giá trị thực của thẻ (khoảng 60-70% giá trị của thẻ) để lấy tiền tiêu xài. Các đối tượng tiêu thụ thẻ sẽ chuyển cho các đối tượng khác trong đường dây hoặc bán trên các trang web chuyên mua bán thẻ cào điện thoại để hưởng chênh lệch từ việc mua bán lại số thẻ cào lừa được nói trên…

Hiện nay, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Tĩnh, Công an huyện Kỳ Anh đang củng cố chứng cứ và tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý đối tượng theo quy định pháp luật.

Tin cùng chuyên mục