Triều Tiên tiếp tục thách thức bằng việc phóng tên lửa

Ngày 4-7, theo Đài truyền hình trung ương Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) KN-14, tức Hwasong-14, vào sáng cùng ngày, dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đồng thời cảnh báo rằng loại tên lửa này có thể tấn công bất cứ đâu trên thế giới. 
Phía Hàn Quốc theo dõi thông tin Triều Tiên phóng tên lửa vào sáng 4-7
Phía Hàn Quốc theo dõi thông tin Triều Tiên phóng tên lửa vào sáng 4-7
Rơi xuống EEZ của Nhật Bản
Cũng theo Đài truyền hình trung ương  Triều Tiên, tên lửa Hwasong-14 đã đạt độ cao 2.802km, bay xa 933km và đã tấn công trúng mục tiêu trên vùng biển phía Đông sau khi bay 39 phút.  Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, tên lửa của Triều Tiên đã đạt độ cao trên 2.500km so với mặt biển, bay được 930km trước khi rơi xuống Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.
Bộ Tham mưu liên hợp quân đội Hàn Quốc cũng cho rằng tên lửa Triều đạt độ cao trên 2.500km so với mặt biển, cao hơn so với độ cao hơn 2.000km của tên lửa Hwasong-12 mà Triều Tiên phóng hôm 15-5 vừa qua. Theo giới phân tích, đây có thể là vụ thử tên lửa thành công nhất của Triều Tiên. Nếu tầm bắn tối đa của tên lửa lên tới 6.700km thì có thể vươn tới khu vực Alaska (Mỹ). Tuy nhiên, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cho biết đây là tên lửa đạn đạo tầm trung chứ không phải ICBM và không gây nguy cơ nào đối với khu vực Bắc Mỹ. 
Đây là vụ phóng tên lửa thứ 11 của Triều Tiên trong năm nay và là lần thứ 6 Triều Tiên phóng tên lửa kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên thệ nhậm chức hôm 10-5. Vụ phóng mới nhất được tiến hành sau khi Tổng thống  Moon Jae-in vừa kết thúc chuyến thăm Mỹ, trong đó ông Moon và Tổng thống Donald Trump nhất trí tìm cách dần dần phi hạt nhân hóa Triều Tiên và sẽ nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng sau khi nước này có những bước đi đầu tiên phi hạt nhân hóa. 
Theo hãng tin CNN, những vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là sự kiện có tính toán đến tầm ảnh hưởng địa chính trị trên thế giới. Vụ phóng tên lửa mới nhất cũng không phải là ngoại lệ, bởi nó diễn ra trong thời điểm nước Mỹ kỷ niệm Quốc khánh và trước lúc diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20, nơi mà vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ được thảo luận giữa các nhà lãnh đạo của những nền kinh tế phát triển và mới nổi. 
Sẵn sàng đối phó
Vụ phóng tên lửa tiếp tục gây ra nhiều phản ứng mạnh mẽ từ các nước. Trên trang mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông Donald Trump kêu gọi Trung Quốc nên có những bước đi mạnh mẽ đối với Triều Tiên nhằm chấm dứt hẳn vấn đề này. Phát biểu trước báo giới từ Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định vụ phóng tên lửa mới nhất này rõ ràng cho thấy mối đe dọa từ Triều Tiên đang ngày càng gia tăng. Ông Abe tuyên bố sẽ hợp tác với Hàn Quốc và Mỹ nhằm gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng. 
Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh quốc gia nhằm kiểm tra sự sẵn sàng đối phó của hệ thống phòng thủ Hàn Quốc trước bất kỳ hành động khiêu khích tiếp tục nào từ phía Triều Tiên.  Phía quân đội Hàn Quốc tuyên bố sẵn sàng đối phó với mọi hành động khiêu khích từ phía Triều Tiên. 
Vào tuần trước, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc Kim In-ryong  cảnh báo, trong hơn 50 năm thù địch giữa Mỹ và Triều Tiên, chưa bao giờ căng thẳng bị đẩy sát bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân như khi Mỹ và Hàn Quốc tiến hành các cuộc tập trận vào tháng 4 và tháng 5 vừa qua. Hiện Trung Quốc vẫn đang thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, đề xuất trước đó của Bắc Kinh về việc Mỹ - Hàn Quốc ngừng tập trận chung để đổi lấy việc “đóng băng” chương trình vũ khí của Triều Tiên đã không được hưởng ứng.

Tin cùng chuyên mục