Trình Quốc hội Dự án luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi)

Sáng 22-10, tại kỳ họp Quốc hội, ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã trình bày tờ trình về Về Dự án luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi).
Trình Quốc hội Dự án luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi)

(SGGPO). – Sáng 22-10, tại kỳ họp Quốc hội, ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã trình bày tờ trình về Về Dự án luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi).

Theo đó, Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi)  sửa quy định việc MTTQ Việt Nam tham gia tố tụng, tham gia công tác đặc xá; quy định về việc MTTQ Việt Nam tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc MTTQ Việt Nam tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí... Đặc biệt, lần này sửa luật để bổ sung về trách nhiệm và quyền hạn thực hiện dân chủ; tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam;  việc MTTQ Việt Nam tập hợp, tổng hợp và phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; việc MTTQ Việt Nam tham gia tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; việc MTTQ Việt Nam góp ý xây dựng Nhà nước.

Tại tờ trình, MTTQ Việt Nam vẫn còn một số vấn đề xin ý kiến Quốc hội. Cụ thể, về việc MTTQ Việt Nam góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với dự thảo đường lối, chính sách của Đảng, ông Vũ Trọng Kim cho biết đa số ý kiến cho rằng Luật không nên quy định về việc MTTQ Việt Nam tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, mà nên quy định trong các văn bản của Đảng. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, Luật lần này cần quy định về việc Mặt trận tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với dự thảo chủ trương, đường lối của Đảng.

Ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày tờ trình. Ảnh: Lã Anh 

Trước 2 luồng ý kiến này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật về vấn đề này, Luật MTTQ Việt Nam chỉ nên quy định về việc giám sát, tham gia góp ý của MTTQ Việt Nam với cơ quan, tổ chức, đơn vị, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy chế hoạt động của hệ thống nhà nước. Những vấn đề liên quan đến việc MTTQ tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với dự thảo chủ trương, đường lối của Đảng nên để quy định trong các văn bản của Đảng như từ trước đến nay.

Cũng theo ông Vũ Trọng Kim, việc MTTQ tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng đã được quy định trong nhiều văn bản của Đảng. Vì vậy, Luật MTTQ Việt Nam chỉ nên quy định về việc giám sát và tham gia góp ý với cơ quan, tổ chức, đơn vị, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy chế hoạt động của hệ thống nhà nước.

Một số ý kiến khác cho rằng, một trong những điểm mới của Hiến pháp vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2013 là ghi nhận chức năng của MTTQ trong việc “giám sát và phản biện xã hội”, đồng thời quy định Đảng “chịu sự giám sát của Nhân dân”. Như vậy, việc giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước của MTTQ được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, áp dụng với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cả tổ chức Đảng, đảng viên cũng như đường lối, chính sách của Đảng. Do đó, ý kiến này đề nghị dự thảo Luật cần được bổ sung quy định về việc MTTQ Việt Nam tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với cả dự thảo đường lối, chính sách của Đảng.

 Về hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, Ủy ban pháp luật cho rằng, việc thể chế hoá chủ trương của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong dự thảo Luật là cần thiết. Nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện hiện nay thì phải chăng chỉ nên giới hạn phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước cùng cấp có liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân như dự thảo Luật là phù hợp. Ngoài ra, mặt trận nên phản biện cả những văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án đã được ban hành, phê duyệt. Bởi vì, chính trong quá trình tổ chức thực hiện các văn bản, chương trình, dự án này mới bộc lộ những hạn chế, bất cập, từ đó đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung để làm tốt hơn.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, quy định về cơ chế để thực hiện phản biện xã hội trong dự thảo Luật cần được cân nhắc.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục