Trộm quặng lại hoành hành

Trộm quặng lại hoành hành

Sau thời gian bị siết chặt, gần đây những đối tượng khai thác trái phép quặng (trộm quặng) lại đổ xô về khu mỏ crômit (thuộc ba xã Tân Ninh, Thái Hòa, Vân Sơn của huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Dù cơ quan chức năng tổ chức nhiều cuộc truy quét nhưng các đối tượng trộm quặng vẫn táo tợn hoạt động, thậm chí nhiều lúc chống trả người thi hành công vụ.

Già, trẻ… đều vào mỏ 

Trộm quặng lại hoành hành ảnh 1
Thu giữ máy móc của các đối tượng khai thác trộm quặng

Khi tiến sâu vào khu mỏ quặng crômit thuộc xã Thái Hòa, trời đã tối, nhưng hàng trăm người vẫn đổ về các điểm mỏ. “Công trường” về đêm càng tấp nập. Hàng trăm đốm đèn đỏ ẩn hiện trong các hố quặng. Đội quân trộm quặng vẫn mải miết đào bới hùng hục. Từng đoàn xe máy không biển số, không đèn pha chở quặng ùn ùn đi ra.

Mỗi ngày, có đến hàng trăm tấn đất đá được xới tung khỏi mặt đất. Trông toàn khu mỏ như một công trường xây dựng rộng lớn, rầm rầm tiếng nổ máy, tiếng la hét của dân khai thác quặng. Chị Thương, thôn Thái Hòa, đang hì hụi đào bới, ngẩng lên nói: “Phải tranh thủ làm nhanh các chú à, công an mà bắt được, lấy mất máy thì… lỗ nặng! Làm ban ngày sợ công an bắt, chúng tôi chuyển sang làm đêm”. Nói xong chị tiếp tục cặm cụi đào bới.

Cách khai thác quặng ở đây rất thô sơ, họ đào một cái hố sâu và lấy máy bơm nước cỡ lớn, bơm thẳng vào thành hố cho đất đá tã ra, rồi cho máy hút lên máng. Đất đá trôi đi, phần còn lại là quặng crômit. Mỗi hố cần khoảng 7 người thay nhau làm và có khoảng 1 tấn quặng được lấy lên khỏi lòng đất trong một buổi. Chỉ qua một đêm, cả khu quặng rộng hàng ngàn mét vuông xuất hiện thêm vài trăm “cái ao” mới, ngổn ngang đất đá.

Tiến sâu vào trung tâm vùng mỏ, cả khu mỏ rộng lớn tan hoang như bị bom quật. Người ở đây, già có, thanh niên, phụ nữ, thậm chí con nít cũng làm mỏ. Bên miệng hố quặng, một bé gái chừng 11-12 tuổi đang mải mê mót quặng. Cô bé này cho biết: “Bố mẹ cháu đang làm dưới hố quặng, bố mẹ bắt cháu đi theo cùng làm”. Cô bé còn giải thích: Đi mót quặng có nhiều tiền, bố mẹ không bắt đi học đâu!”.

Mẹ của cô bé, chị Nguyễn Thị Hòa, ở xã Tân Ninh, lý giải: “Chúng tôi không đào quặng thì lấy gì mà ăn! Từ đầu năm, sau đợt rét đậm, rét hại, ruộng đồng không thu hoạch được gì, đành phải vào mỏ”.

Số lao động phụ nữ và trẻ em chỉ là lao động phụ, chủ yếu khai thác lại quặng rơi vãi, mỗi ngày thu nhập được từ 15.000đ – 20.000đ, cao  hơn nhiều so với làm ruộng. Còn với những “thợ” chính, dưới sự hỗ trợ của dàn máy, mỗi tối họ có thể khai thác được chừng 2 tấn quặng crômit. Tính sơ sơ trong bãi có khoảng vài chục dàn máy hoạt động.

Như vậy, mỗi tối có đến cả chục tấn quặng được khai thác và vận chuyển ra khỏi địa bàn. Ngay tại bãi, mỗi tấn quặng được bán từ  900.000đ – 1.000.000đ/tấn cho các “cò” hoặc các “cai”. Mỗi dàn máy có từ 5 - 6 người phụ trách, như vậy tính ra một người có thể kiếm được chừng 200.000đ, cao hơn chục lần làm ruộng quần quật cả mùa. Chính thế, người dân nơi đây bỏ cả ruộng vườn, bắt con bỏ học rồi kéo cả nhà lên mỏ quặng.

Bảo vệ, công an đều bó tay?

Hùng, một “thợ” khai thác quặng, tâm sự: “Trước đây tôi khai thác mỏ ở Tân Ninh, mới về Thái Hòa được ít hôm. Mỗi ngày đào cũng được vài tạ”. Hùng vừa nói, vừa chỉ tay về chỗ tập kết quặng của đội, có khoảng 100 bao tải đựng quặng, đợi đường khô ráo vận chuyển ra ngoài. Anh ta tiết lộ: “Tai nạn ở đây xảy ra như… cơm bữa. Nhẹ thì gãy chân tay do trượt chân ngã xuống hố quặng, nặng thì có thể mất mạng”.

Qua tìm hiểu,  khu mỏ này thuộc sự quản lý và khai thác của Công ty Crômit Cổ Định – Thanh Hóa. Ông Phạm Văn Đoan, Phó Giám đốc công ty phụ trách bảo vệ vùng mỏ cho biết, công ty được phép quản lý và khai thác 16km2 mỏ quặng thuộc địa phận ba xã Tân Ninh, Thái Hòa, Vân Sơn của huyện Triệu Sơn. Công ty có hai dây chuyền khai thác quặng đặt trên địa bàn xã Vân Sơn nhưng mấy tháng qua vẫn chưa đi vào hoạt động. Tính đến thời điểm này, Công ty Cổ Định chỉ làm nhiệm vụ…  “giữ” lại mỏ quặng.

Trong khi Công ty Crômit Cổ Định, Thanh Hóa chưa tiến hành khai thác thì hoạt động khai thác trái phép vẫn tiếp tục diễn ra rầm rộ. Ông Đoan cho biết thêm: “Sau Tết người dân tràn vào địa phận quản lý của công ty để khai thác quặng rất đông. Chúng tôi đã tăng cường thêm lực lượng bảo vệ nhưng cũng chỉ… ném đá ao bèo”. Không thể kiểm soát được tình hình, công ty đã phải “cầu cứu” Công an huyện Triệu Sơn, cảnh sát cơ động tỉnh Thanh Hóa để tăng cường bảo vệ vùng mỏ, tuy nhiên ông Đoan khẳng định, đây chỉ là những biện pháp tình thế, còn về lâu dài thì… chưa biết.
 
Anh Dương, một bảo vệ vùng mỏ của công ty, cho hay: “Tôi cũng là người địa phương, nhiều khi bắt được quả tang đối tượng khai thác quặng lậu nhưng không dám làm gì. Bọn “đại ca” ở vùng mỏ này ghê lắm, tôi đã bị chúng dằn mặt mấy lần”.

Những tay khai thác quặng lậu rất liều lĩnh, chúng còn thuê cả con nghiện vào vùng mỏ làm “chim lợn” và làm bảo kê khi có sự cố. Anh Dương kể lại: Giữa tháng 3 vừa rồi đã xảy ra một vụ tấn công của các tay chủ mỏ vào lực lượng bảo vệ công ty. Chúng rải đinh xuống đường để cản xe thu giữ máy móc khai quặng. Không chỉ vậy, những đối tượng trên cũng không ngại ngần dùng dao, cuốc hành hung lực lượng bảo vệ. Hiện có hai chiến sĩ bị chém vào đầu và tay đang nằm trị thương tại trạm xá, Công an huyện Triệu Sơn đã có mặt và đang vào cuộc điều tra.

Trước đó, vào đầu năm 2007, trong khi thu giữ máy móc và phương tiện khai thác quặng trái phép, lực lượng bảo vệ Công ty Cổ Định đã bị các tay chủ mỏ xúi giục người dân bao vây, cướp lại máy móc. Gần 12g đêm, sự việc mới được giải quyết, khi công an huyện và cảnh sát cơ động tỉnh có mặt thuyết phục người dân và truy bắt những tên cầm đầu.

Anh Nguyễn Văn Thu, Công an huyện Triệu Sơn, cho biết: “Ban đêm tình hình rất phức tạp, chúng tôi không thể tiếp cận được. Ban ngày, các chủ mỏ đã bố trí người canh gác đầu đường. Có động tĩnh của công an, họ tẩu tán ngay. Chúng tôi rất khó tóm gọn tang chứng, vật chứng”.
 

Trước đây, ngày 13-4-2004, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 10 về quản lý khai thác, xuất khẩu quặng sắt, crômit trên địa bàn tỉnh. Theo chỉ thị này, tỉnh giao cho chủ tịch UBND các huyện và yêu cầu phối hợp cùng các ngành chức năng kiên quyết giải tỏa, ngăn chặn việc khai thác, thu mua quặng trái phép.  

Hải Ngọc Trân

Tin cùng chuyên mục