Trong 5 năm, đã xét xử 2.600 bị cáo phạm tội tham nhũng

Qua công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự trong năm 2020 và nhiệm kỳ 2016-2020 cho thấy, chiếm tỷ lệ cao vẫn là các nhóm tội liên quan đến xâm phạm sở hữu; các tội phạm về ma túy; xâm phạm trật tự công cộng; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người.

Sáng nay 21-12, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2021. Dự và chỉ đạo hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Trong 5 năm, đã xét xử 2.600 bị cáo phạm tội tham nhũng ảnh 1 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo tại hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2021. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2020 và nhiệm kỳ 2016-2020 cho thấy, các tòa án đã thụ lý hơn 2,4 triệu vụ việc, đã giải quyết được hơn 2,3 triệu vụ việc. Trong đó, năm 2020, các tòa án đã thụ lý hơn 600.000 vụ việc, đã giải quyết được hơn 544.000 vụ việc. Chất lượng giải quyết, xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm đều đạt chỉ tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Trong đó, báo cáo thống kê xét xử các vụ án hình sự cho thấy, việc xét xử bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, kết án oan người không có tội.

Trong nhiệm kỳ, các tòa án đã thụ lý hơn 386.000 vụ với hơn 650.000 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được hơn 384.000 vụ với hơn 600.000 bị cáo. Trong đó, năm 2020, các tòa án đã thụ lý gần 90.000 vụ với hơn 160.000 bị cáo; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 1,18% (do nguyên nhân chủ quan là 0,59%); bị sửa là 4,91% (do nguyên nhân chủ quan là 0,26%).

Trong 5 năm, đã xét xử 2.600 bị cáo phạm tội tham nhũng ảnh 2 Ông Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao báo cáo tổng kết công tác năm 2020 và nhiệm kỳ 2016-2020. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Các tòa án tổ chức xét xử nghiêm túc, đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ, đúng pháp luật đối với những vụ án kinh tế, chức vụ lớn; những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính trung ương theo dõi đôn đốc.

Cụ thể, trong nhiệm kỳ trên, các tòa án đã xét xử 1.145 vụ với 2.600 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, trong đó, năm 2020, đã xét xử 269 vụ với 645 bị cáo. Các tòa án đã áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn của Nhà nước; khoan hồng với những người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

Qua công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự trong năm 2020 và nhiệm kỳ 2016-2020 cho thấy, chiếm tỷ lệ cao vẫn là các nhóm tội liên quan đến xâm phạm sở hữu; các tội phạm về ma túy; xâm phạm trật tự công cộng; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người.

Theo đánh giá của Tòa án nhân dân tối cao, trong nhiệm kỳ qua, một số tòa án chưa khắc phục hoàn toàn việc để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật do nguyên nhân chủ quan của tòa án; chưa khắc phục triệt để việc bản án, quyết định tuyên không rõ. Một số tòa án còn chậm chuyển hồ sơ vụ việc theo yêu cầu của Viện kiểm sát và tòa án.

Trong năm 2021, ngành tòa án đề ra nhiệm vụ, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng. Khắc phục triệt để tình trạng để các vụ án quá thời hạn chuẩn bị xét xử do nguyên nhân chủ quan của tòa án; bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm cũng như việc vi phạm thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử…

Tin cùng chuyên mục