(SGGP).– Để đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm theo mục tiêu kế hoạch 5 năm 2010 - 2015 (Nghị quyết của Đại hội Đảng XI (7% - 7,5%) và Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội là 6,5% - 7%) thì lạm phát mục tiêu tối ưu của giai đoạn 2013 - 2015 phải ở mức 7% - 7,5%. Đây cũng là ngưỡng tối ưu trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Khuyến nghị trên được các nhà nghiên cứu thuộc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) đưa ra trong cuộc hội thảo khoa học “Lạm phát và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” tổ chức tại bộ này sáng 21-5.
Mặc dù quan hệ giữa lạm phát với tăng trưởng không đơn giản là tỷ lệ thuận (kết quả nghiên cứu cho thấy khi lạm phát nằm ngoài khoảng tối ưu thì lạm phát tăng còn có thể làm giảm tăng trưởng). Song nhóm nghiên cứu nhận định, với điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay thì quan điểm chính sách “tăng trưởng cao, lạm phát thấp” và “ưu tiên cả hai mục tiêu như nhau” - tuy đúng đắn về dài hạn - song rất khó điều hành để đạt được trong ngắn hạn và trung hạn (1 đến 4 năm). Trong điều kiện suy giảm kinh tế, doanh nghiệp quá khó khăn, thất nghiệp tăng như hiện nay thì nên ưu tiên tăng trưởng và chấp nhận lạm phát ở ngưỡng tối ưu như đã nói trên.
Cũng theo thông tin từ sự kiện này, trong suốt một quãng thời gian vài thập kỷ, tăng trưởng của Trung Quốc cao và lạm phát đều thấp hơn Việt Nam. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam cũng là quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong suốt giai đoạn từ 1991 - 1995 và từ 2006 - 2012. Giai đoạn 1996 - 2005, lạm phát của nước ta ở mức tương đương khu vực.
ANH PHƯƠNG