“Đến lúc này rồi ngân hàng và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải ngồi lại cùng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nhau. Trong khó khăn ngành nào cũng thủ hết hoặc cứ nói với nhau theo nguyên tắc, lý lẽ thì chẳng giải quyết được vấn đề gì”. Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã nói thẳng thắn như vậy tại cuộc họp với các ngân hàng, các hiệp hội ngành nghề ngày 5-6.
Chỉ số an toàn vốn giảm
Doanh nghiệp (DN) đang rất khát vốn, trong khi vốn tại các ngân hàng (NH) vẫn đang ứ đọng, vì sao? Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc NHNN VN (chi nhánh TPHCM) thông tin: Tính đến ngày 31-5, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 907.100 tỷ đồng, tăng 1% so với cuối tháng trước, tăng 1,5% so với cuối năm 2011, trong khi hàng tồn kho lớn, DN khó tiêu thụ sản phẩm… Hầu hết các DN đều đang trong tình trạng có nợ quá hạn hoặc nợ xấu cao tại các NH. Các DN chưa có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Các chỉ số an toàn trong hoạt động DN bị suy giảm đáng kể.
Mặt khác, NHNN chưa có hướng dẫn và quy định cụ thể về cho vay mới trả nợ cũ nên các NH không thể thực hiện. Trong khi đó, NH cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xác minh tính minh bạch và lành mạnh của DN (hết tháng 5-2012, nhiều DN chưa kiểm toán báo cáo tài chính rõ ràng). Dư nợ cũ được các NH thẩm định cho vay dựa trên bất động sản, nhưng bất động sản suy giảm, giá trị tài sản đảm bảo cũng giảm nên hạn mức tín dụng mới bị giảm so với món vay trước.
Theo Phó Thống đốc NHNN VN Trần Minh Tuấn, thông tư 14 ra đời khoảng gần 1 tháng, quy định mức trần cho vay đối với 4 nhóm đối tượng: Nông nghiệp, DN vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ... theo số liệu báo cáo khoảng 7.000 tỷ đồng cho 420 DN vay, nếu so với DN của TPHCM con số này không đáng kể. “NH nói 4 điều kiện: tài chính yếu kém, tồn kho nhiều, sổ sách không đảm bảo, không tài sản thế chấp…, nếu nói vậy thì nói hoài không giải quyết được”.
Ông Trần Minh Tuấn cho rằng giải cứu DN phải ở tầm vĩ mô, chính sách chủ trương của chính phủ. Lãi suất quy định như thế nhưng DN và NH không gặp nhau được, nên chăng chỉ khống chế đầu ra, không nên hạn chế đối tượng vay.
Tiếng nói chung
Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, khẳng định, hầu hết NH đều thừa vốn và muốn chủ động giảm lãi suất để kéo khách hàng. Nhất là đối với những NH có tiềm lực tài chính, phải chủ động giảm lãi suất nếu không sẽ mất khách hàng. “Nếu NH cứ huy động 11%/năm nhưng phải đi gửi NH khác chỉ vài % thì chết sớm.
Ông Bình đề nghị UBND TPHCM họp với các hiệp hội, cho biết cụ thể DN nào có nhu cầu vay vốn bao nhiêu, nói chung chung không thể quyết được. Các NH không ngại mất tiền, không thu được lãi nhưng đừng kết tội cố tình vi phạm”, ông Bình thẳng thắn.
Cùng quan điểm, ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc Eximbank TPHCM cho rằng NHNN cần mở rộng đối tượng áp dụng để giảm trần lãi suất. Eximbank đăng ký 5.000 tỷ cho DN vay với lãi suất 13% - 14%.
Ở góc nhìn khác, theo ông Đỗ Minh Toàn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), vấn đề cốt yếu là quy hoạch treo cần tháo gỡ để có tài sản đảm bảo. Nhà ở xã hội, các NH muốn đẩy mạnh tín dụng cho vay vì nhu cầu rất lớn, các NH sẵn sàng hỗ trợ các dự án nhà ở, mua nhà nhưng nhà đầu tư, nhà cung cấp vật tư, nhà thầu… phải bớt lợi nhuận của mình. “ACB cho vay với lãi suất mua nhà 15,5%/năm nhưng hưởng ứng không cao, do giá nhà quá cao”, ông Toàn nói.
Phó Thống đốc NHNN VN Trần Minh Tuấn khẳng định: “Không thể làm theo cách mò đá qua sông, vấn đề gì cũng phải xuất phát từ thực tiễn. Đề nghị các hiệp hội lập ngay danh sách DN cần vốn, mỗi hiệp hội sẽ giao cho một ngân hàng”.
| |
Vân Anh