
Cơ quan đánh giá hệ sinh thái thiên niên kỷ của LHQ (UNMEA) vừa đưa ra báo cáo cảnh báo tốc độ suy giảm đa dạng sinh học trên toàn cầu hiện đang ở mức báo động.

Khai thác rừng bừa bãi là một trong những nguyên nhân tàn phá hệ sinh học trái đất.
Đây là nghiên cứu tổng hợp về hệ sinh thái toàn cầu và tác động đối với con người, được thực hiện trong 5 năm của hơn 1.360 nhà khoa học từ 95 quốc gia trên thế giới.
Có đến 12% loài chim, 25% loài động vật có vú, 32% loài lưỡng cư... đang có nguy cơ tuyệt chủng. Tốc độ giảm đa dạng sinh học (do hoạt động của con người) trong 50 năm qua nhanh hơn bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử và số loài động thực vật tuyệt chủng trong 100 năm qua đã tăng cao gấp 1.000 lần. Trữ lượng cá trên thế giới đã giảm tới 90% so với thời kỳ bắt đầu khai sinh ngành công nghiệp đánh cá.
UNMEA khẳng định hoạt động của con người là nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học, bắt nguồn từ môi trường sống ô nhiễm, biến đổi khí hậu và nạn khai thác bừa bãi các nguồn tài nguyên thiên nhiên. UNMEA dự báo đến năm 2100 hệ thống sinh học trên trái đất sẽ bị suy giảm đến mức không thể phục hồi nếu từ bây giờ con người không có các nỗ lực chưa từng có để cứu lấy sự đa dạng sinh học.
H.A (Theo AFP, TTXVN)