Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) ngày 17-5 đã công bố báo cáo cho biết, năm ngoái có khoảng 1 triệu người di cư đến châu Âu trong đó có đến 90% người di cư phải trả phí cho các mạng lưới buôn người và tỷ lệ này còn tiếp tục tăng.
Europol và Interpol cùng nhận định các tổ chức buôn người thu lời khoảng 5-6 tỷ USD từ hoạt động này do mỗi người di cư muốn vào châu Âu phải trả cho bọn buôn người từ 3.200 - 6.500USD. Europol và Interpol cũng cảnh báo các mạng lưới buôn người xuyên quốc gia tại hơn 100 quốc gia trên thế giới đang đứng sau làn sóng người tị nạn này.
Tờ Independent cho biết, từ đầu năm nay Europol đã thành lập lực lượng chuyên trách đối phó với các hoạt động buôn bán người trái phép. Lực lượng này có nhiệm vụ giúp các nước thành viên trong EU hợp tác, tăng cường trao đổi thông tin nhằm chống lại vấn nạn buôn người. Ngay chính Giám đốc Europol, ông Rob Wainright, cũng phải thừa nhận tội phạm buôn người đang phát triển nhanh nhất tại châu Âu. Đặc biệt, những tên “mafia trên biển” ngày càng tinh vi khi đưa hàng chục ngàn người tị nạn lên tàu cũ hoặc tàu lái tự động trong các phi vụ vượt biển. Với thu nhập kếch xù, mạng lưới nhóm tội phạm buôn người đã lôi kéo được hàng chục ngàn đối tượng “đầu quân” cho chúng, đồng thời phát triển thành các mạng lưới rộng khắp.
Chỉ riêng năm 2015, Europol đã phát hiện gần 11.000 kẻ tình nghi có tham gia vào hoạt động buôn người. Ngoài ra, theo ước tính của EU, có ít nhất 10.000 trẻ em tị nạn đã biến mất sau khi đến châu Âu. Một quan chức cấp cao giấu tên cảnh báo con số này chỉ là “phần nổi của tảng băng” khi bị đánh giá thấp hơn nhiều so với thực tế. Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc về người tị nạn và nhập cư tại châu Âu cho biết trong năm ngoái có 95.000 trẻ em tìm cách xin tị nạn tại châu Âu. Một số trẻ em không có giấy tờ hoặc không còn gia đình quản lý có thể đã không đăng ký do lo sợ sẽ bị bắt giữ hoặc các em không biết tiếng để giao tiếp hay tiếp cận được thông tin cần thiết. Do đó, số lượng trẻ em này có nguy cơ trở thành “miếng mồi ngon” cho bọn tội phạm buôn người.
Hãng BBC bình luận, sứ mệnh chống nạn buôn người ở trung tâm Địa Trung Hải của hải quân EU thông qua chiến dịch Sophia đang khó đạt mục tiêu. BBC dẫn một tài liệu của Ủy ban châu Âu ghi nhận “các vụ bắt giữ được thực hiện đến nay khá ít ỏi, trong lúc việc tiêu hủy tàu khiến những kẻ buôn lậu chuyển sang dùng thuyền cao su không an toàn”. Với mục tiêu tìm kiếm và cứu hộ, chiến dịch Sophia cũng không đạt được. Chiến dịch này chỉ xử lý được những vụ việc, chứ không giải quyết được nguyên nhân. BBC cho rằng việc thiếu tin tưởng lẫn nhau dẫn tới hạn chế chia sẻ thông tin cũng như thu thập tin tức về các mạng lưới buôn người là một trong những lý do bề nổi khiến các chiến dịch, sứ mệnh giải quyết nạn buôn người khó đạt kết quả như ý, nhưng trong sâu xa EU vẫn chưa có một chính sách nhất quán để giải quyết vấn nạn buôn người và xa hơn là những biện pháp nhằm giải quyết tình trạng xung đột sắc tộc, phân biệt đối xử…
VIỆT ANH