Trung Quốc với năm ngoại giao dầu mỏ

Tin mới nhận cho biết, hạ tuần tháng 12-2004, Trung Quốc đã quyết định sẽ nâng tiền ứng trước cho công trình đường ống dầu khí Siberia - Đại Khánh từ 3 tỷ USD lên 13 tỷ USD. Quyết định bất ngờ, đầy ấn tượng này là một trong những quyết định cuối cùng của một năm hoạt động ráo riết trên lĩnh vực dầu khí, còn được gọi là “ngoại giao năng lượng” của Bắc Kinh.
Trung Quốc với năm ngoại giao dầu mỏ

Tin mới nhận cho biết, hạ tuần tháng 12-2004, Trung Quốc đã quyết định sẽ nâng tiền ứng trước cho công trình đường ống dầu khí Siberia - Đại Khánh từ 3 tỷ USD lên 13 tỷ USD. Quyết định bất ngờ, đầy ấn tượng này là một trong những quyết định cuối cùng của một năm hoạt động ráo riết trên lĩnh vực dầu khí, còn được gọi là “ngoại giao năng lượng” của Bắc Kinh.

Trung Quốc với năm ngoại giao dầu mỏ ảnh 1

Trong năm 2004, các nhà lãnh đạo Trung Quốc như Hồ Cẩm Đào, Ngô Bang Quốc, Ôn Gia Bảo, Giả Khánh Lâm, Tăng Khánh Hồng, Hoàng Cúc, Ngô Quan Chính đã lần lượt thăm 32 quốc gia, cả châu Á (Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Pakistan), Trung Đông (Kuwait, Iran, Các tiểu vương quốc Arập và Aman), châu Âu (Nga, Anh, Hà Lan), Trung Á (Kazakhstan, Kyrgystan, Azerbaijan), châu Phi (Sudan, Nigeria, Kenya, Gabon), Nam Mỹ (Venezuela, Pêru, Brazil, Chile)… nhằm tăng cường quan hệ năng lượng.

Giá dầu cao; phần lớn dầu nhập từ Trung Đông và qua eo biển Malacca; dự trữ quốc gia về dầu ở mức thấp; nhu cầu tiêu thụ dầu khí tăng vọt. Những vấn đề này đang trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế Trung Quốc. Để giải quyết, cần đa phương hóa các nguồn nhập khẩu dầu, đi xa hơn, không chỉ mua dầu từ ngoài mà còn đi ra ngoài khai thác dầu. Cùng với việc xây dựng hàng loạt các kho dự trữ dầu ở các tỉnh ven biển, hoạt động “ngoại giao năng lượng” của Trung Quốc thành công lớn khi ký được “hợp đồng thế kỷ” với Iran, đẩy quan hệ dầu khí lên mức cao nhất với Kazakhstan.

Các nhà quan sát cho rằng, chính Nga và các nước Trung Á là trọng tâm của chiến lược năng lượng đa phương của Bắc Kinh. Khu vực này không chỉ có trữ lượng dầu khí xấp xỉ Trung Đông mà còn hơn hẳn Trung Đông về sự gần gũi địa lý và đang có sẵn cơ chế hợp tác kinh tế trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Sau thành công với đường ống dẫn dầu Kazakhstan - Thượng Hải, Trung Quốc đã thể hiện quyết tâm xây dựng đường ống Siberia - Đại Khánh khi loan báo sẽ ứng trước tới 13 tỷ USD - vượt xa dự chi của Nhật cho đường ống Siberia - Nakhodka. Còn nhớ, lúc đầu, phần dự chi cho đường ống Đại Khánh chỉ là 1,7 tỷ USD, rồi nâng lên 3 tỷ USD, vì thế con số 13 tỷ USD mà Bắc Kinh đề cập đã làm cho dự án của Nhật lâm vào thế thua kém mọi phương diện.

Không chỉ “mua dầu bên ngoài”, Bắc Kinh còn chủ động trong chiến lược “ra ngoài khai thác dầu”, bằng cách đầu tư mua cổ phần các công ty dầu mỏ, liên kết, liên doanh khai thác các mỏ dầu mới. Cả 3 tập đoàn dầu khí lớn nhất Trung Quốc đã chuyển vốn vào hướng này trong nhiều năm. Tập đoàn dầu mỏ, khí đốt tự nhiên Trung Quốc có 44 hạng mục đầu tư với 7 tỷ USD tại 18 nước. Tập đoàn Hóa dầu Trung Hoa chi 4 tỷ USD vào 10 cơ sở khai thác dầu ở 6 nước Trung Đông và châu Phi. Tập đoàn dầu mỏ Hải Dương đầu tư trên 2 tỷ USD vào Indonesia, Australia và Tây Ban Nha.

Báo Pháp “Thế Giới” cho rằng việc các công ty dầu khí Trung Quốc dồn dập mua các mỏ dầu ở bên ngoài không chỉ nên coi là hành vi mở rộng kinh tế đơn thuần mà còn là “chuyện làm mọi người kinh ngạc”. Từ một quốc gia xuất khẩu thương phẩm lớn, Trung Quốc đang từng bước làm chủ nguồn năng lượng cho mình và sẽ còn đi xa hơn.
 

TƯỜNG VÂN

Tin cùng chuyên mục