Trung tướng Tô Ân Xô lý giải số tiền mà Việt Á đã chi để hối lộ, cảm ơn quan chức

Đầu tháng 6, Bộ Công an cho biết Việt Á kiếm lãi khoảng 4.000 tỷ đồng và chi khoảng 800 tỷ đồng để “bôi trơn”. Nhưng, trong kết luận điều tra đã ban hành, cơ quan điều tra nêu rõ số tiền Việt Á đã hưởng lợi bất chính là hơn 1.200 tỷ đồng và số tiền chi để đưa hối lộ là hơn 106 tỷ đồng.

Chiều tối 9-9, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8.

Quang cảnh họp báo Chính phủ. Ảnh: QUANG PHÚC

Quang cảnh họp báo Chính phủ. Ảnh: QUANG PHÚC

Liên quan đến mục tiêu tăng trưởng, kết quả tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm mới đạt 3,72%, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, đây là mức thấp hơn so với các mục tiêu đề ra cũng như kịch bản Nghị quyết 01 của Chính phủ. Điều đó đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho những tháng cuối năm vì muốn đạt các mục tiêu đề ra thì các kịch bản đều hướng tới mức tăng trưởng khá cao. Có những kịch bản hơn 9%, có kịch bản tăng từ 7-8%. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề.

Về giải ngân đầu tư công, hiện nay toàn bộ hệ thống phục vụ cho công tác giải ngân và thủ tục hành chính đã sẵn sàng. Nếu có hồ sơ giải ngân sẽ chuyển tiền một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng rất nhiều từ các cơ quan quản lý dự án, các nhà thầu.

“Từ nay đến cuối năm, chúng tôi tin tưởng mức 95% mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu sẽ đạt được trong năm 2023”, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho hay.

Trung tướng Tô Ân Xô. Ảnh: QUANG PHÚC
Trung tướng Tô Ân Xô. Ảnh: QUANG PHÚC

Cũng tại họp báo, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã lý giải rõ số tiền chênh lệch mà Việt Á đã chi để hối lộ, cảm ơn quan chức. Trước đó, hồi đầu tháng 6, Bộ Công an cho biết Việt Á kiếm lãi khoảng 4.000 tỷ đồng và chi khoảng 800 tỷ đồng để “bôi trơn”. Nhưng, trong kết luận điều tra đã ban hành, cơ quan điều tra nêu rõ số tiền Việt Á đã hưởng lợi bất chính là hơn 1.200 tỷ đồng và số tiền chi để đưa hối lộ là hơn 106 tỷ đồng.

Lý giải điều này, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết sau khi khởi tố vụ án, Phan Quốc Việt và các bị can liên quan đã khai Công ty Việt Á có doanh thu và lợi nhuận khoảng 4.000 tỷ đồng. Phan Quốc Việt dành khoảng 20-25% trong tổng số này, tương ứng khoảng 800 tỷ đồng, để chi phần trăm ngoài hợp đồng cho các đơn vị, đối tác mua kit xét nghiệm và vật tư, thiết bị y tế khác. Đây là lời khai ban đầu của lãnh đạo Việt Á mà cơ quan điều tra đã cung cấp. Nhưng sau khi có kết luận điều tra ban hành ngày 17-8, những con số này có sự chênh lệch.

“Không thể dùng lời khai ban đầu của các đối tượng để đưa vào kết luận điều tra, vì phải trọng chứng hơn trọng lời khai", Người phát ngôn Bộ Công an giải thích.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, chỉ khi nào đủ căn cứ chứng minh việc đưa tiền cho ai, đưa bao nhiêu tiền, mới có thể khởi tố điều tra và đề nghị truy tố, với tinh thần chứng cứ rõ đến đâu thì kết luận đến đó.

Mặt khác, không chỉ có Cơ quan điều tra của Bộ Công an điều tra vụ án này, mà Bộ Công an còn phân công, ủy thác cho công an 61 tỉnh, thành để điều tra về số tiền thu lợi bất chính và tiền “bôi trơn” trong vụ án Việt Á.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn. Ảnh: QUANG PHÚC
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn. Ảnh: QUANG PHÚC

Về việc bỏ thi nâng hạng viên chức đang được dư luận quan tâm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, bất cứ ngành nghề gì, cán bộ, viên chức đều muốn thăng hạng nghề nghiệp. Đối với nhà giáo, việc nâng hạng không chỉ chứng tỏ năng lực nghề nghiệp của mình, kèm theo đó là tăng lương, tăng thu nhập. Bộ Nội vụ đã dự thảo sửa đổi một số quy định trong việc nâng hạng nghề nghiệp, trong đó không còn hình thức thi, mà chỉ còn còn lại hình thức xét.

Theo Thứ trưởng, dù là thi hay xét nâng hạng đều nhằm mục đích đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Việc thi nâng hạng sẽ không sát được với thực tiễn, còn xét nâng hạng sẽ đánh giá được "đúng người, đúng việc". Mặt khác, xét nâng hạng sẽ giảm được thủ tục hành chính trong bổ nhiệm viên chức.

Cũng về vấn đề này, ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết, việc thi nâng hạng đã được thực hiện từ năm 1998 đến nay. Nhưng, do chưa quy định được nội dung thi, chưa sát với yêu cầu vị trí việc làm, nên việc thi nâng hạng còn hình thức, không phản ánh thực chất.

Với số lượng viên chức rất lớn (gần 2 triệu người), nên việc thi nâng hạng gặp nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, người thi phải có chứng chỉ chuyên ngành. Đây chính là hạn chế, rào cản.

Việc tổ chức thi sẽ gây rất nhiều tốn kém về thời gian, công chức, chi phí. Do vậy, việc bỏ thi sẽ tiết kiệm nhiều chi phí cho xã hội. 94/95 bộ, ngành, địa phương đồng ý bỏ thi nâng nâng hạng viên chức. Nếu bỏ thi sẽ khắc phục được những vướng mắc bất cập trên, đồng thời giảm áp lực cho đội ngũ viên chức.

Tin cùng chuyên mục