Trường học cần làm gì để bảo vệ học sinh trước ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường mạng?

Sáng 14-2, tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5), Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức tập huấn chuyên đề "Nâng cao nhận thức và kỹ năng về an toàn thông tin mạng" cho giáo viên các trường THCS và THPT trên địa bàn TPHCM.

Ông Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD- ĐT TPHCM) cho biết, công nghệ thông tin mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng nhưng cũng có nhiều rủi ro, vấn đề cần cẩn trọng khi sử dụng.

Hiện nay một bộ phận giáo viên và học sinh chủ quan khi sử dụng các công cụ trực tuyến. Đơn cử, liên quan đến các ý kiến tranh luận phần mềm ChatGPT xấu hay tốt, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng câu trả lời phụ thuộc thái độ của người sử dụng.

"Người sử dụng nếu biết những gì là của mình, những gì học tập được, những gì không nên sử dụng và thái độ ứng xử hợp lý, khoa học thì bất kỳ phần mềm hay công cụ hỗ trợ nào đều giúp ích cho quá trình học tập, nghiên cứu", ông Lê Duy Tân bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Văn Nam, Cố vấn cấp cao ICDL Việt Nam, thế hệ các thầy cô giáo hiện nay chưa từng hoặc rất ít được tiếp xúc với internet khi là sinh viên sư phạm. Trong khi đó, internet phát triển nhanh trong trường học khoảng 5 năm trở lại đây và đã xuất hiện nhiều trào lưu xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến học sinh.

Để giúp học sinh vượt qua những cạm bẫy trên internet, nhà trường cần tổ chức các hoạt động đào tạo nhằm nâng cao nhận thức của học sinh về an toàn thông tin mạng, qua đó giúp học sinh tránh các rủi ro có thể gặp khi sử dụng mạng trực tuyến.

Đơn cử, trường học tổ chức các hội thảo dành cho phụ huynh nhằm tăng cường nhận thức về an toàn và bảo mật thông tin, trang bị cho phụ huynh các dấu hiệu nhận biết nguy cơ không an toàn trên mạng internet cũng như công cụ hỗ trợ phụ huynh về tâm lý và kỹ thuật đồng hành cùng học sinh.

Riêng đối với học sinh, cần giáo dục các em nói "không" với việc trò chuyện với người lạ, không chia sẻ vị trí định vị khi sử dụng các ứng dụng trên mạng, ngoài ra cần chia sẻ với bố mẹ và thầy cô khi gặp rắc rối khi giao tiếp trên môi trường mạng để được tư vấn, trợ giúp.

Học sinh Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) sử dụng điện thoại di động vào mục đích phù hợp hỗ trợ việc học

Học sinh Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) sử dụng điện thoại di động vào mục đích phù hợp hỗ trợ việc học

Ông Nguyễn Đức Trung, Chuyên gia phụ trách chương trình ICDL Digital Student chia sẻ, kết quả một nghiên cứu về thực trạng sử dụng các nền tảng số ở Việt Nam cho thấy, chúng ta chỉ xếp sau Hoa Kỳ về tỉ lệ người sử dụng internet nhưng tỉ lệ người thường xuyên sử dụng mạng xã hội (gần 80% dân số) tương đương Hoa Kỳ - quốc gia đi đầu thế giới về công nghệ.

Trong khi đó, nền tảng công nghệ của nước ta đang có nhiều vấn đề. Trong đó, tỉ lệ người sử dụng internet truy cập bằng điện thoại thông minh ở Việt Nam hiện nay chiếm đến hơn 95%, cao hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đó, thời gian sử dụng internet hàng ngày của người Việt Nam hiện nay trung bình là 6 giờ 30 phút/ngày. Đặc biệt, thời gian sử dụng mạng xã hội của người Việt Nam trung bình 2 giờ 28 phút/ngày.

Trong các mục đích chính khi sử dụng internet, có 71,4% liên hệ, kết nối với bạn bè và người thân; 69% tìm kiếm thông tin; 68,4% theo dõi tin tức và sự kiện; 59,6% xem các đoạn video, chương trình truyền hình, phim ảnh...

Tại Việt Nam, khảo sát của Cục trẻ em (Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội) cho thấy trong quý 3 năm 2022 có 89% trẻ em truy cập và sử dụng internet. Trong đó, 87% trẻ em sử dụng hàng ngày với thời gian sử dụng từ 5-7 giờ/ngày.

Một trong những thực tế đáng báo động hiện nay là chỉ có 36% trẻ em, tức khoảng 1/3 trẻ em được dạy về an toàn mạng, chủ yếu ở độ tuổi 16-17.

Từ những kết quả khảo sát nói trên, các chuyên gia khẳng định không thể cấm học sinh sử dụng internet, thay vào đó nhà trường và phụ huynh cần có sự phối hợp để định hướng, giáo dục học sinh thái độ ứng xử và cách sử dụng internet phù hợp.

Tin cùng chuyên mục