Trường hợp tạm cấm xuất cảnh trong vụ án dân sự

Pháp luật đã có những quy định cụ thể về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh nhằm đảm bảo có cơ sở cho việc giải quyết vụ án, thi hành án cũng như ngăn chặn hành vi lẩn trốn, tẩu tán tài sản của đương sự.

Pháp luật đã có những quy định cụ thể về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh nhằm đảm bảo có cơ sở cho việc giải quyết vụ án, thi hành án cũng như ngăn chặn hành vi lẩn trốn, tẩu tán tài sản của đương sự.

Căn cứ các quy định tại khoản 12 Điều 102 và Điều 115 Bộ luật Tố tụng dân sự về biện pháp khẩn cấp tạm thời “cấm hoặc buộc thực hiện một số hành vi nhất định”, Nghị định 136/2007 quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã quy định rõ biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh được áp dụng đối với đương sự “đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế”. Nhằm tránh việc áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh một cách tùy tiện, pháp luật quy định chặt chẽ chỉ có những đối tượng sau mới có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp này: đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, hoặc cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; cơ quan về dân số, gia đình và trẻ em; Hội Liên hiệp Phụ nữ khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình trong trường hợp do Luật Hôn nhân và Gia đình quy định; công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động theo quy định của pháp luật lao động (Điều 99 Bộ luật Tố tụng dân sự).

Các chủ thể nêu trên có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh ngay tại thời điểm khởi kiện nếu có căn cứ cho rằng tại thời điểm nộp đơn khởi kiện cần phải áp dụng ngay biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh để bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra. Hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, bất cứ thời điểm nào mà có căn cứ để áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh, chủ thể có quyền đều có thể yêu cầu tòa án áp dụng. Nhưng, để được tòa án chấp nhận và ra quyết định áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh, người yêu cầu phải có căn cứ, cơ sở chứng minh cho yêu cầu của mình. Cụ thể, những lý do cho việc áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh phải xuất phát từ thực tế cần phải có biện pháp này để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc để bảo đảm thi hành án (khoản 1 Điều 99 Bộ luật Tố tụng dân sự). Người yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trong trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng, gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường (Điều 101 Bộ luật Tố tụng dân sự).

Trường hợp không đồng ý với quyết định của tòa án, đương sự có quyền khiếu nại lên chánh án của tòa án - cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh. Tòa án đã ra quyết định phải có nghĩa vụ giải quyết khiếu nại của đương sự trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại về quyết định áp dụng hay không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh.

Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng luật sư PHANS)

Tin cùng chuyên mục