Truy hỏi trách nhiệm của ngân hàng

Ngày 16-12, phiên xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - VietinBank, chi nhánh TPHCM) chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng của 15 tổ chức, ngân hàng, cá nhân chuyển sang phần thẩm vấn. Nhiều câu hỏi về nghiệp vụ trong hoạt động ngân hàng được hội đồng xét xử, đại diện Viện KSND tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa đặt ra, từ đó làm rõ về trách nhiệm của Ngân hàng VietinBank trong vụ án.
Truy hỏi trách nhiệm của ngân hàng

Ngày thứ hai phiên xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng

(SGGPO).- Ngày 16-12, phiên xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - VietinBank, chi nhánh TPHCM) chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng của 15 tổ chức, ngân hàng, cá nhân chuyển sang phần thẩm vấn. Nhiều câu hỏi về nghiệp vụ trong hoạt động ngân hàng được hội đồng xét xử, đại diện Viện KSND tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa đặt ra, từ đó làm rõ về trách nhiệm của Ngân hàng VietinBank trong vụ án.

Quản lý nhưng không thể phát hiện có quy trình ngược?!

Tại phiên tòa, bị cáo Huyền Như thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã quy kết. Trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử về trình tự, thủ tục mở tài khoản tại ngân hàng, bị cáo Huyền Như cho biết, theo quy định, chủ tài khoản phải cung cấp hồ sơ pháp lý hợp lệ; cụ thể đối với tổ chức phải có Giấy đăng ký kinh doanh, đơn yêu cầu mở tài khoản trên đó có con dấu và chữ ký mẫu; cá nhân khi mở tài khoản tiết kiệm phải có CMND, chữ ký mẫu. Khi tiếp nhận hồ sơ, giao dịch viên sẽ kiểm tra, đối chiếu chữ ký, con dấu rồi chuyển cho kiểm soát viên. Sau khi kiểm soát viên phê duyệt thì tài khoản được mở.

Tương tự, khi nhận được lệnh chi, lệnh chuyển tiền, giao dịch viên cũng sẽ đối chiếu con dấu, chữ ký trên lệnh với con dấu mẫu, chữ ký mẫu đã được đăng ký, sau đó ký duyệt chấp nhận và chuyển kiểm soát viên. Khi kiểm soát viên phê duyệt thì lệnh mới được thực hiện. Trường hợp khi đối chiếu phát hiện mẫu con dấu, mẫu chữ ký không phù hợp thì không chuyển tiền.

Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Quảng Đức Tuyên đặt câu hỏi: “Đó là quy trình, nhưng thực tế việc thực hiện lại khác phải không? Không chỉ riêng hệ thống Ngân hàng VietinBank mà các ngân hàng khác bằng cách nào phát hiện lệnh chi, lệnh chuyển tiền của khách hàng là giả? Bao nhiêu lần bị cáo đã phát hiện trường hợp giả mạo?”.

Bị cáo Huyền Như trả lời rằng việc làm giả lệnh chi, lệnh chuyển tiền sẽ khó phát hiện bằng mắt thường, chỉ khi có giám định thì mới biết được.

Câu trả lời này của bị cáo Huyền Như không được chấp nhận. Chủ tọa phiên tòa phân tích: Ngân hàng VietinBank có màn hình để phóng to chữ ký của khách hàng, giúp bộ phận chuyên môn nghiệp vụ phát hiện chứng từ và lệnh giả. Khi giao dịch viên phóng to để xem nét mờ, nét đậm trên chữ ký thì chắc chắn sẽ phát hiện chữ ký giả.

Bị cáo Huyền Như sau phiên xử sáng 16-12

Tiếp theo, chủ tọa phiên tòa hỏi đại diện Ngân hàng VietinBank: “Giao dịch viên là “cánh cửa giao dịch” của khách hàng với ngân hàng vì giao dịch viên tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ mở tài khoản trước khi chuyển cho kiểm soát viên. Việc thực hiện lệnh chi, lệnh chuyển tiền của khách hàng cũng tương tự. Vậy nếu thực hiện ngược lại với quy trình này là đúng hay sai?”. Đại diện Ngân hàng VietinBank trả lời là sai.

Lập tức, chủ tọa phiên tòa “truy”:

- Người làm công tác quản lý (Ban Giám đốc, Trưởng chi nhánh) có thể biết được việc thực hiện quy trình ngược này không?

Đại diện Ngân hàng VietinBank:

 - Chắc chắn không biết.

- Vậy làm sao để biết?

- Thông qua quy trình kiểm tra, kiểm soát định kỳ và đột xuất.

- Định kỳ thì bao lâu sẽ kiểm tra một lần?

- Từ 3 đến 6 tháng sẽ kiểm tra một lần.

- Vụ án Huyền Như xảy ra vào thời điểm nào?

- Vụ án xảy ra từ tháng 6 đến tháng 9-2011.

- Còn việc tra đột xuất?

- Sẽ kiểm tra đột xuất khi phát hiện hay khi có tin báo về sai phạm.

- Ngân hàng VietinBank chi nhánh TPHCM có Ban kiểm tra, kiểm soát không?

- Có Ban kiểm tra, kiểm soát.

 -Thời gian bị cáo Huyền Như và đồng phạm có hành vi tạm gọi là thực hiện “quy trình ngược” để chiếm đoạt tiền, ngân hàng có thực hiện kiểm tra, kiểm soát định kỳ không?

- Có thực hiện việc kiểm tra định kỳ nhưng không phát hiện được vì quy trình kiểm tra chọn mẫu ngẫu nhiên nên khó phát hiện đuợc ngay(?!).

Ngân hàng là bên nhận và giữ tiền của khách hàng

Trong phần thẩm vấn, nhiều câu hỏi cũng được đặt ra để xác định trách nhiệm của Ngân hàng trong vụ án này.

Căn cứ theo Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN ngày 21-11-2002 của Ngân hàng Nhà nuớc về việc ban hành quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng, chủ tọa phiên tòa hỏi đại diện Ngân hàng VietinBank: “Khoản 10 Quyết định 1284 quy định chủ tài khoản chịu trách nhiệm về những sai sót hay hành vi lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình. Trường hợp nào là lỗi của chủ tài khoản?”.

“Là trường hợp chủ tài khoản để nguời khác giả mạo chữ ký của mình để ra lệnh chi”, đại diện Ngân hàng VietinBank trả lời.

Chủ tọa hỏi tiếp: “Vậy chữ ký mẫu lưu trong hệ thống ngân hàng ở đâu? Giao dịch viên phải có trách nhiệm đối chiếu chữ ký trên lệnh chi, lệnh chuyển tiền. Vậy lỗi thuộc về ai?”. Đại diện Ngân hàng VietinBank vẫn tiếp tục né tránh trách nhiệm của ngân hàng khi cho rằng giao dịch viên chỉ đối chiếu phổ thông bằng mắt thường nên khó phát hiện!

Chủ tọa phiên tòa đặt vấn đề: “Khách hàng tin tuởng ngân hàng. Lỗi thuộc về ai khi khách hàng bị nguời khác lợi dụng giả chữ ký, mạo nhận chủ tài khoản trên lệnh chi tiền, chuyển tiền mà ngân hàng chấp nhận, khiến tài khoản bị thất thoát? Khoản 8 Điều 12 quy định ngân hàng phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng trên tài khoản của khách hàng do lỗi của mình. Vậy trường hợp nào là lỗi của ngân hàng?”.

Đại diện Ngân hàng VietinBank trả lời rất chung chung: “Bản thân tôi chưa xác định xem yếu tố lỗi là như thế nào. Tôi nghĩ ngân hàng thực hiện lệnh chuyển tiền bị nhầm thì ngân hàng có trách nhiệm điều chỉnh. Những trường hợp khác xin trả lời sau!”.

Trả lời về trách nhiệm giữ tiền của khách hàng, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận trách nhịêm này phát sinh tại thời điểm ngân hàng tiếp nhận tiền của khách hàng, thời điểm này được thể hiện trên chứng từ, sổ sách. Trong truờng hợp tiền được chuyển từ tài khoản này sang tài khoản khác của cùng một khách hàng thông qua lệnh chuyển tiền liên ngân hàng thì thời điểm phát sinh trách nhiệm là khi lệnh chuyển tiền có hiệu lực.

Tham gia thẩm vấn, đại diện Viện KSND tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: “Khi khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của mình mở tại ngân hàng, trong quan hệ giao dịch này thì ai là người gửi tiền và ai là người nhận tiền, giữ tiền?”.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận: khách hàng là người gửi tiền, ngân hàng là người nhận tiền, giữ tiền.

Công tố viên đặt tiếp câu hỏi: Theo khoản 1 điều 11 của Quyết định 1284, ngân hàng được chủ động trích tài khoản của khách hàng trong trường hợp các khoản nợ đến hạn, quá hạn, các khoản lãi, chi phí hợp lệ khác phát sinh trong quá trình quản lý tài khoản và cung ứng các dịch vụ thanh toán theo quy định. Vậy ngân hàng có phải là người quản lý tiền gửi khách hàng?”. Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa trả lời câu hỏi này.

Trong phần đầu phiên xét xử, công tố viên cho biết vẫn giữ nguyên phần kháng nghị Viện KSND TPHCM, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng tăng hình phạt đối với Võ Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và Đào Thị Tuyết Dung (Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân) về  hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Cho vay nặng lãi”.

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như cho biết không kháng cáo phần hình sự, chỉ xin tòa án cấp phúc thẩm trả lại villa H2 thuộc dự án Nam Hai Resort (tại Hội An, Quảng Nam) có diện tích gần 3.000 m2, trị giá 43 tỷ đồng cho mẹ bị cáo.

Bị cáo Lương Thị Việt Yên (nguyên Trưởng Phòng giao dịch Võ Văn Tần thuộc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, bị TAND TPHCM xử phạt 7 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”) xin chuyển nội dung kháng cáo từ kêu oan sang giảm nhẹ hình phạt.

Các bị cáo khác vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo.

ÁI CHÂN

>> Khai mạc phiên xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng

>> Hôm nay, xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng

>> Huyền Như xin xử án nhẹ cho đồng phạm

>> Vụ Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng - Công tố viên khẳng định quan điểm luận tội

Tin cùng chuyên mục