(SGGPO).- Sáng 29-9, Công an tỉnh Đắk Nông đã tổ chức họp báo công bố kết luận điều tra, gửi hồ sơ qua Viện KSND tỉnh Đắk Nông đề nghị truy tố 8 đối tượng liên quan đến vụ ông Trần Minh Lợi (SN 1968, trú tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk), người lập trang Facebook “diệt giặc nội xâm”.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã đề nghị truy tố đối tượng Lãnh Thanh Bình (SN 1985, nguyên cán bộ đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”.
Các đối tượng: Trần Minh Lợi, Nguyễn Xuân An (SN 1985), Trương Thị Lan (SN 1971), Huỳnh Kim Cao Trí (SN 1978), Huỳnh Thị Cao Thương (SN 1979), Nguyễn Thị Tý (SN 1960) cùng trú tai huyện Đắk Mil bị đề nghị truy tố về tội “Đưa hối lộ”.
Riêng đối tượng Nguyễn Văn Phúc (SN 1975, trú tại phường Thắng Lợi, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Đại Lộc trực thuộc Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Đắk Lắk) bị đề nghị truy tố tội “Nhận hối lộ”.
Công an tỉnh Đắk Nông tổ chức họp báo việc truy tố chủ trang Facebook chống tham nhũng. Ảnh CÔNG HOAN.
Theo kết luận điều tra, ngày 15-1, Công an huyện Đắk Mil bắt được 6 người đang đánh bài ăn tiền tại xã Thuận An (huyện Đắc Mil). Tham gia việc bắt đánh bạc có Lãnh Thanh Bình. Nhưng sau khi đưa các đối tượng đánh bạc về trụ sở công an, Bình không tham gia các hoạt động tố tụng tiếp theo. Ngày 21-1, người thân của các con bạc có ý định góp tiền để xin cho các con bạc được tại ngoại. Sau khi trao đổi, Thương và Trí gọi điện cho Bình để hỏi việc xin tại ngoại cho người nhà vừa tham gia vụ đánh bạc. Lúc này, Bình hướng dẫn cho hai đối tượng này làm đơn, có người bảo lãnh, có xác nhận của chính quyền địa phương và nộp cho điều tra viên. Đồng thời, gợi ý người nhà chung tiền thì sẽ cho các con bạc tại ngoại. Toàn bộ sự việc này được người nhà các con bạc kể lại toàn bộ cho Trần Minh Lợi để được “giúp đỡ”. Sau khi nghe kể lại, Lợi nói người nhà các con bạc phải đưa tiền cho Bình để quay phim, chụp hình. Theo đó, Lợi hướng dẫn cho An cách ghi âm và quay phim trong lúc giao tiền. Sau đó, An gặp Lan để trao đổi và thúc dục Lan đi vay 20 triệu đồng để xin tại ngoại cho người nhà. Nghe vậy, Lan đã đi mượn 20 triệu đồng để đưa cho An. Trong ngày 21-1, Trí, An, và bà Tý hẹn gặp tại quán cà phê để đưa tổng cộng 60 triệu đồng cho Bình. Trong lúc giao tiền, An sử dụng điện thoại Sam Sung và Viettel để trong túi áo quay phim và ghi âm lại toàn bộ sự việc theo hướng dẫn của Lợi.
Sau khi nhận được số tiền này, Bình hứa sẽ cố gắng để những người trong vụ đánh bạc được tại ngoại. Bình mang tiền về nhà riêng của mình để cất giữ. Đến trưa 22-1, Lợi trực tiếp gặp và yêu cầu An đưa các thư mục ghi âm, quay phim cho mình. An mượn máy tính và copy các thư mục ghi âm và quay phim ra USB cho Lợi. Trên cơ sở này, chiều 25-1, Lợi gọi điện và nói Bình nhận tiền hối lộ chạy tại ngoại và yêu cầu ra quán cà phê để nói chuyện. Tại đây, Lợi cho Bình xem lại video do An quay, đồng thời tìm mọi cách khai thác xem ai chỉ đạo Bình lấy tiền và tiền đã đưa cho ai. Đến trưa 26-1, Bình hẹn gặp và xin Lợi bỏ qua sai phạm của mình. Nhưng Lợi không đồng ý, yêu cầu Bình trả lạo 60 triệu đồng đã nhận của An, Trí và bà Tý. Chiều cùng ngày, Bình gọi điện cho An, Trí và bà Tý lên Công an huyện Đắc Mil. Tại đây, Bình giải thích không thể giúp được mọi người xin tại ngoại nên trả lại 60 triệu đồng. Sau đó, Lợi còn gọi điện cho Bình với nội dung đe dọa tố cáo và hối thúc việc tác động thả tại ngoại cho những người trong vụ đánh bạc.
Vào ngày 23-2, Lợi đăng video Bình nhận tiền lên trang facebook của mình và thúc dục An gửi đơn cho Lợi để gửi ra VKSND Tối cao. Trước tình thế đó, ngày 24-2, Bình và một điều tra viên có tên Y Nam làm bản tường trình báo cáo sự việc Bình nhận số tiền 60 triệu đồng của An, Trí và bà Tý vào ngày 21-1 gửi lên lãnh đạo Công an huyện Đắk Mil. Trước tính chất nghiêm trọng của sự việc, Công an huyện Đắk Mil đã báo cáo cho Công an tỉnh Đắc Nông vào cuộc điều tra, làm rõ. Vì thế, vào ngày 14-3, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với Bình về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”. Đồng thời khởi tố các bị can: An, Lan, Trí, Thương, Tý và Lợi về tội “Đưa hối lộ”.
Không chỉ liên quan đến vụ án nói trên, vào tháng 4-2014, vì có nhu cầu tiền bạc nên Lợi liên hệ với Nguyễn Văn Phúc (Giám đốc Phòng giao dịch Đại Lộc, trực thuộc Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Đắk Lắk để thế chấp vay vốn ngân hàng. Do muốn vay số tiền 1,8 tỷ đồng, Lợi đã thỏa thuận thống nhất đưa cho Phúc số tiền 150 triệu đồng. Nhưng trong quá trình điều tra, xác minh, không có tài liệu về việc Phúc thống nhất nhận số tiền này. Ngày 23-4, Lợi đưa cho Phúc số tiền 30 triệu đồng và Nguyễn Đức Trọng (Tổ trưởng tổ tín dụng Phòng giao dịch Đại Lộc) số tiền 20 triệu đồng). Với hành vi này, Lợi đã phạm tội “Đưa hối lộ” với số tiền đưa hối lộ 30 triệu đồng. Còn việc Lợi đưa cho Trọng 20 triệu đồng không đủ căn cứ để truy tố.
Ngày 2-6, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụa sn hình sự đưa và nhận hối lộ, đồng thời khởi tố bị can Phúc về tội “Nhận hối lộ”. Đại tá Lương Ngọc Lếp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết: “Liên quan đến vụ đánh bạc tại huyện Đắc Mil, Lợi đã xúi dục để những thân nhân của những người trong vụ đánh bạc nộp tiền. Trong trường hợp này, Lợi có vai trò chủ mưu. Nếu Lợi có hành vi tố cáo ngay chỉ là tình tiết giảm nhẹ. Trong quá trình điều tra, cơ quan CSĐT phát hiện Lợi có liên quan đến nhiều vụ việc ở các tỉnh khác nhưng chưa có đủ chứng cứ, tài liệu để kết luận. Những người khác bị xử lí theo quy định của pháp luật, trước khi xử lí vụ án này, nếu như Lợi chỉ thu thập tài liệu để cung cấp ngay cho cơ quan công an hoặc đưa lên báo chí thì việc làm của Lợi không phạm tội. Nhưng Lợi đã xúi dục, tổ chức đưa tiền cho người khác để thu thập bằng chứng. Nghiêm trọng hơn, sau khi để một thời gian, Lợi gọi Bình lên để khống chế, uy hiếp. Hoạt động tư pháp của các cán bộ công an trong vụ việc này là vi phạm”.
Cũng theo đại tá Lếp, bản thân Lợi có trình độ về công nghệ thông tin, trước đây Lợi đã có một án treo đã được xóa án tích. Lợi lập lên trang facbook chống giặc nội xâm. Nếu không có động cơ vụ lợi trong các vụ việc thì việc làm của Lợi là tốt trong quá trình đấu tranh chống tiêu cực. Hiện có 5 luật sư xin bào chữa cho Lợi, việc bào chữa được diễn ra theo đúng quy định của pháp luật. “Phải nói, Lợi thực hiện được việc này là do cán bộ điều tra có tiêu cực. Đây là bài học trong quá trình quản lí cán bộ điều tra để ngăn chặn để đảm bảo, hạn chế thấp nhất các sai phạm và xử lí nghiêm cán bộ có sai phạm. Việc chống tham nhũng là chủ chương lớn của Đảng và Nhà nước. Lợi dựng lên câu chuyện, thúc đẩy việc đưa hối lộ, sử dụng tư liệu để khống chế. Khi phát hiện được những dấu hiệu tham nhũng thì công dân gửi đến các cơ quan chức năng. Khi người dân có đơn tố cáo thì cơ quan có thẩm quyền phải trả lời kết quả về nội dung tố cáo”.
Trước đó, ông Trần Minh Lợi đã lập trang Facebook “diệt giặc nội xâm” chuyên đăng tải những hành vi tiêu cực của cơ quan quản lý nhà nước, nhất là cán bộ công an. Từ những bằng chứng của ông Lợi, Công an tỉnh Đắk Lắk và Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, lãnh đạo công an huyện Cư Kuin và kỷ luật một số cán bộ Công an tỉnh Đắk Lắk.
CÔNG HOAN