Năm 2012, điều hành chính sách tiền tệ là câu chuyện được quan tâm nhiều nhất với nhiều vấn đề bức xúc như tín dụng tăng thấp, “cục máu đông” nợ xấu làm ngưng trệ dòng vốn nền kinh tế. Chính sách tiền tệ năm 2013 cần được điều hành thế nào để giải quyết những ách tắc của nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn năm 2012 mà Chính phủ đã đề ra? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia xung quanh vấn đề này.
- Phóng viên: Ngân hàng Nhà nước nhận định kết quả điều hành chính sách tiền tệ năm 2012 là phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức thấp (6,81%) và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức 5,03%. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- TS LÊ XUÂN NGHĨA: Thành công quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2012 là kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá hối đoái, kiên trì chống đô la hóa, ổn định thanh khoản hệ thống ngân hàng trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước gặp khó khăn, lòng tin sụt giảm. Nếu như cuối năm 2011 chúng ta nhắc nhiều đến rủi ro thanh khoản, nguy cơ đổ vỡ thì đến hết năm 2012 thanh khoản đã được củng cố khá vững chắc. Một điểm đáng ghi nhận, trong năm 2012 NHNN đã chủ động chuyển sang thực hiện chính sách điều hành thị trường theo lạm phát mục tiêu. Ngay đầu năm, NHNN đã xin bỏ chỉ tiêu cung ứng tiền hàng năm. Tức là, có lạm phát thì hút tiền về và bơm ra khi cần. Tuy nhiên, dường như NHNN luôn cảnh giác với lạm phát, phòng ngừa tối đa lạm phát quay lại, mặc dù chịu sức ép rất lớn của việc mở rộng tín dụng. Đây là chủ trương kiểm soát bằng được lạm phát để đảm bảo ổn định vĩ mô. Hành động này được đánh giá cao và chuẩn xác.
- Vậy theo ông trong năm 2013 NHNN có kiên định điều hành chính sách theo lạm phát mục tiêu?
- NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo lạm phát mục tiêu là một lựa chọn đúng đắn, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta bỏ chỉ tiêu phát hành tiền hàng năm. Đó là cách điều hành gắn với diễn biến thực tiễn của lạm phát. Năm 2013, NHNN cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì kiểm soát lạm phát. Năm 2012, CPI xuống khá thấp là nhờ một công lao lớn của NHNN nhưng cũng có may mắn giá lương thực giảm liên tục từ tháng 1 đến tháng 9, giá thực phẩm giảm từ tháng 3 đến tháng 10. Hai mặt hàng này chiếm tới 40% tỷ trọng của rổ tính CPI cho nên nó đã kéo chỉ số giá xuống thấp. Nếu tính lạm phát cơ bản, loại bỏ giá lương thực thực phẩm và xăng dầu, thì lạm phát năm 2012 vẫn tăng xấp xỉ 12%. Điều đó cảnh báo rằng, nếu năm 2013 chúng ta để giá lương thực thực phẩm tăng trở lại thì việc kiểm soát lạm phát rất khó khăn. Đấy là khuyến cáo không chỉ với NHNN mà cả toàn bộ nền kinh tế. Điều hành của Chính phủ cần làm thế nào để ổn định giá cả nhiều nhóm hàng hóa.
- Nhiều người cho rằng lãi suất cần tiếp tục giảm thêm nữa để doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay với mức lãi suất dưới 10%/năm họ mới có thể tồn tại được. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Như tôi đã nói chính sách tiền tệ cần điều hành theo lạm phát mục tiêu, nên về nguyên tắc lãi suất phải bám lạm phát, không thể nào để lãi suất xuống quá thấp rồi lại để lạm phát bùng lên nữa. Đấy là cả một sự trả giá rất đắt, cả về lòng tin. Tôi nghĩ rằng, điều chỉnh lãi suất xuống cũng phải rất thận trọng, vừa điều chỉnh vừa xem nó có tác động thế nào đến kinh tế vĩ mô. Hiện nay một bộ phận rất lớn doanh nghiệp vẫn tồn tại, hoạt động, bán hàng, xuất khẩu… đấy là lực lượng trụ cột nhất của nền kinh tế (chứ không phải những DN đã phá sản). Lực lượng này đang cần hạ lãi suất để tăng năng lực cạnh tranh, tăng khả năng xuất khẩu, bán hàng. Lãi suất thấp giúp họ có tính toán đầu tư trung và dài hạn và như vậy sẽ tạo ra một thị trường cả tư liệu sản xuất và tiêu dùng ấm nóng trở lại. Sau quý 1-2013 có thể xem xét vấn đề lãi suất một cách tổng thể. NHNN trước đây định bỏ dần tiến tới tự do hóa lãi suất. Tôi thấy đi theo hướng đấy tốt hơn là dùng biện pháp hành chính, cứ lập trần nọ bỏ trần kia.
- Theo ông phải cần những điều kiện như thế nào để làm được việc bỏ trần lãi suất?
- Lãi suất hiện nay biến động mạnh vì một số ngân hàng yếu kém. Những ngân hàng này không còn lòng tin để vay vốn trên thị trường liên ngân hàng nữa. Vì vậy, cách duy nhất để bù thanh khoản là phải ra thị trường tín dụng vay của dân chúng với lãi suất cao. Để khắc phục điều này, NHNN phải chấn chỉnh lại thị trường liên ngân hàng, làm thế nào để các ngân hàng yếu kém có thể vay được vốn trên thị trường liên ngân hàng một cách bình thường. Muốn làm được vậy, NHNN phải tạo ra lòng tin cho những ngân hàng thương mại lớn để họ cho các ngân hàng nhỏ vay vốn bằng cách bảo lãnh cho họ. Cách nữa là những ngân hàng yếu kém “quấy rầy” quá dứt khoát phải xử lý.
- Đề nghị ông cho biết ý kiến về tăng trưởng tín dụng thấp kỷ lục mà tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản để xử lý nợ xấu?
- Để khơi thông dòng vốn tín dụng, cần nhanh chóng và quyết liệt xử lý khối nợ xấu. Xử lý nợ xấu là trọng tâm giai đoạn 2 của đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Vấn đề đặt ra là từ nay làm thế nào để các ngân hàng yếu kém đang gây rất nhiều rắc rối cho thị trường tiền tệ, đặc biệt cho việc ổn định lãi suất, ổn định thanh khoản cũng phải được xử lý rốt ráo. Phục hồi thị trường bất động sản là vô cùng quan trọng. Nếu không phục hồi được thị trường bất động sản thì việc xử lý nợ xấu sẽ gặp khó khăn lớn và phải tốn kém nhiều chi phí. Nếu vay 500-700 triệu đồng mua nhà với kỳ hạn 15-20 năm và lãi suất trên dưới 10% thì dân chúng, đặc biệt là người trẻ sẽ mua nhà rất nhiều, giải quyết nhanh chóng nhu cầu về nhà ở hiện tại, giải phóng tồn kho. Ngoài ra, vấn đề liên quan đến thuế cũng quan trọng, đặc biệt là thuế sử dụng đất. Tóm lại, có ba vấn đề lớn đối với thị trường bất động sản hiện nay là: lãi suất và kỳ hạn vay, thuế quyền sử dụng đất và thủ tục.
- Xin cảm ơn ông!
MINH THU thực hiện