Từ 1-1-2010, cấm hút thuốc lá nơi công cộng: Tăng mức phạt để răn đe

Từ 1-1-2010, cấm hút thuốc lá nơi công cộng: Tăng mức phạt để răn đe

Quyết định 1315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát thuốc lá sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2010. Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Trương Trọng Hoàng (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe, Sở Y tế TPHCM về việc thực hiện quyết định trên.

- PV: Thưa ông, từ ngày 1-1-2010 sẽ có thêm nhiều địa điểm công cộng, nơi làm việc trong nhà bị cấm hút thuốc lá, cụ thể là những nơi nào?

Ông Trương Trọng Hoàng

Ông Trương Trọng Hoàng

Ông TRƯƠNG TRỌNG HOÀNG: Nghị định 45/2005/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 6-4-2005 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã quy định rõ những địa điểm công cộng bị cấm hút thuốc lá là rạp hát, rạp chiếu phim, phòng họp, phòng làm việc, bệnh viện, thư viện, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng và trên các phương tiện giao thông công cộng. Nay quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát thuốc lá đã mở rộng thêm một số khu vực công cộng khác là lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế nói chung (thay vì chỉ là bệnh viện như trước đây), nhà văn hóa, các khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao.

- Đơn vị nào có trách nhiệm kiểm tra, xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng? Các mức xử phạt đối với hành vi nói trên như thế nào?

Theo Pháp lệnh 44/2002/PL-UBTVQH10 về việc xử lý vi phạm hành chính, thanh tra chuyên ngành sẽ là lực lượng chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng. Theo đó, những cá nhân có trách nhiệm xử phạt là thanh tra viên và chánh thanh tra chuyên ngành các cấp sở, bộ. Các mức xử phạt bao gồm cảnh cáo đối với lần đầu vi phạm và phạt tiền 50.000 - 100.000 đồng nếu tái phạm.

- Việc xử phạt hành vi hút thuốc lá ở nơi công cộng đã được quy định từ năm 2005 nhưng đến nay chưa đi vào cuộc sống. Đâu là nguyên nhân?

Hút thuốc trong Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình sáng 29-12-2009, bất chấp bảng “Không hút thuốc trong bệnh viện”. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Hút thuốc trong Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình sáng 29-12-2009, bất chấp bảng “Không hút thuốc trong bệnh viện”. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Tôi không dám kết luận về nguyên nhân, tuy nhiên có một thực tế phải thừa nhận, đó là lực lượng thanh tra chuyên ngành y tế hiện nay, kể cả cấp tỉnh và cấp huyện, còn khá mỏng. Bên cạnh đó, các mức xử phạt theo quy định của Nhà nước còn khá nhẹ, do đó chưa có tính răn đe đối với người dân. Theo tôi, cần tăng các mức xử phạt để đẩy mạnh tính răn đe. Ví dụ, nên phạt 200.000 đồng ngay lần vi phạm đầu tiên. Bên cạnh đó, tại những nơi cấm theo quy định này nên có bảng cấm rõ ràng, phổ biến rộng rãi các mức xử phạt để quy định nhanh chóng đi vào cuộc sống. Riêng lực lượng thanh tra viên, số lượng có thể không cần tăng nhiều nhưng xuất hiện và xử phạt bất ngờ, có camera ghi hình cụ thể…

- Ngoài việc xử phạt, Sở Y tế còn có kế hoạch gì để giúp người dân hạn chế hút thuốc lá?

Ngành y tế TPHCM đã tổ chức 2 lớp tập huấn vào tháng 10-2009 để triển khai việc tăng cường thực hiện các hoạt động truyền thông về việc cấm hút thuốc lá. Chương trình thứ nhất dành cho các bệnh viện, trung tâm chuyên khoa tuyến TP, quận, huyện để triển khai tại đơn vị. Chương trình thứ hai dành cho các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện để tham mưu cho ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai trên địa bàn. Vào tháng 12, chương trình cũng đã triển khai một lớp tập huấn về truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá cho cán bộ Đoàn TNCS HCM.

Thu Tâm

Tin cùng chuyên mục