Từ 1-1-2018, phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch phải đủ những điều kiện nào?

Không chỉ hàng loạt bộ luật và luật bắt đầu có hiệu lực áp dụng từ ngày 1-1-2018, nhiều văn bản pháp quy dưới luật cũng bắt đầu có hiệu lực từ thời điểm này, điều chỉnh những vấn đề “sát sườn” trong đời sống hàng ngày, trong đó có lĩnh vực giao thông.
Thông tư 42/2017/TT-BGTVT quy định phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch phải đảm bảo đầy đủ các nội thất, tiện nghi
Thông tư 42/2017/TT-BGTVT quy định phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch phải đảm bảo đầy đủ các nội thất, tiện nghi

Phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch phải đủ điều kiện

Thông tư 42/2017/TT-BGTVT quy định phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch phải đảm bảo đầy đủ các nội thất, tiện nghi, cụ thể:

Đối với phương tiện từ 12 đến 20 ghế ngồi phải có: Bảng hướng dẫn sử dụng trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm; Số điện thoại, địa chỉ cơ quan tìm kiếm cứu nạn; Biểu đồ hành trình tuyến du lịch; Thùng chứa đồ uống; Thùng rác. 

Phương tiện từ 20 đến 50 ghế ngồi phải trang bị thêm: Dụng cụ chống nắng, micro; Tủ thuốc, dụng cụ sơ cứu, cứu nạn; Khu vực phục vụ ăn uống, khu chế biến (nếu có) phải đảm bảo yêu cầu của Bộ Y tế và các quy định phòng chống cháy nổ.

Phương tiện trên 50 ghế ngồi trở lên thì ngoài những nội thất, tiện nghi trên, còn phải có: Mái che, rèm cửa chống nắng, điều hòa nhiệt độ (quạt mát); Phòng vệ sinh.

Thuế nhập khẩu ô tô về 0%

Theo Nghị định số 116/2017/NĐ-CP, quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, kể từ ngày 1-1-2018, theo cam kết của Hiệp định thương mại tự do ASEAN (ATIGA), xe có tỷ lệ nội địa hóa trong khối ASEAN từ 40% trở lên sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% từ năm 2018.

Điều này có nghĩa là thuế nhập khẩu đối với ô tô sản xuất tại Thái Lan, Indonesia hay Malaysia vào Việt Nam sẽ là 0%.

Ô tô trên 7 đến 9 chỗ phải dán nhãn năng lượng trước khi ra thị trường

Nội dung này được quy định tại Thông tư 40/2017/TT-BGTVT về dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con trên 7 đến 9 chỗ.

Theo đó, xe ô tô con trên 7 đến 9 chỗ được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời hoàn toàn mới hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng phải được dán nhãn năng lượng trước khi đưa ra thị trường. 

Cơ sở sản xuất, lắp ráp (SXLR) và nhập khẩu (NK) xe ô tô con từ 7 đến 9 chỗ được tự công bố mức tiêu thụ nhiên liệu và dán nhãn năng lượng trong một số trường hợp được nêu cụ thể tại Thông tư 40. 

Thông tư 40 không áp dụng đối với các xe trực tiếp phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, xe ngoại giao, lãnh sự...

Bổ sung quy định thuế nhập khẩu đối với ô tô đã qua sử dụng

Theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi-lanh không quá 1.000cc áp dụng mức thuế tuyệt đối; ô tô chở người từ 16 chỗ ngồi trở lên (kể cả lái xe) áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 150%.

Các loại ô tô khác thuộc các nhóm hàng 87.02, 87.03, 87.04 áp dụng mức thuế suất bằng 1,5 lần so mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của ô tô mới cùng chủng loại thuộc cùng nhóm hàng. 

Tin cùng chuyên mục