Từ các vụ trao nhầm con: Cần thực hiện quy trình chặt chẽ

Nghiêm ngặt “da kề da”
Từ các vụ trao nhầm con: Cần thực hiện quy trình chặt chẽ

Mấy ngày qua, 2 trường hợp bị trao nhầm con ở nhà hộ sinh tại Hà Nội đã khiến nhiều sản phụ chuẩn bị “vượt cạn” và người nhà vô cùng lo lắng. Nhiều câu hỏi đặt ra liệu rằng quy trình đỡ đẻ, giao nhận con hiện nay ở các bệnh viện có tin cậy? Để mọi người hiểu rõ quy trình này, hạn chế tối đa sự nhầm lẫn, giúp sản phụ yên tâm, chúng tôi đã đến một số bệnh viện (BV) phụ sản lớn và BV có chuyên khoa sản tại TPHCM để tìm hiểu vấn đề này.

Nghiêm ngặt “da kề da”

Mỗi ngày BV Hùng Vương TPHCM đón khoảng 100 ca sinh, vào đợt cao điểm lên đến 120 ca, vì vậy quy trình đỡ đẻ yêu cầu phải rất chặt chẽ và nghiêm túc. Theo điều dưỡng Võ Thị Ngọc Diệp, Trưởng phòng Điều dưỡng BV Hùng Vương, quy trình “Chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh” trước đây còn gọi là quy trình “Da kề da” - là một quy trình đỡ đẻ khép kín. Với những ca sinh thường, bé khỏe thì hoàn toàn yên tâm vì bé được đặt vào lòng mẹ ngay từ giây phút lọt lòng để mẹ nhìn mặt và xác định giới tính. Tại đây, các hộ sinh sẽ vệ sinh cơ thể và cắt rốn, cân đo rồi đeo lắc thông tin vào chân bé. Đối với trường hợp bé không khỏe mạnh sẽ được đưa sang xe hồi sức đặt cạnh giường sản phụ, có bác sĩ nhi hỗ trợ hồi sức tại chỗ cho bé. Trường hợp bé cần phải đưa sang phòng hồi sức nhi thì các thủ tục về thông tin của bé cũng phải được hoàn tất trước, được sản phụ xác nhận thông tin rồi mới đưa đi. “Các gia đình hoàn toàn yên tâm vì mỗi ca sinh có riêng một ê kíp đỡ đẻ, hộ lý sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm làm hồ sơ cho bé và đảm bảo bé được ở bên mẹ từ lúc lọt lòng tới khi về phòng hậu sản”, điều dưỡng Ngọc Diệp cho hay.

Đối với các ca mổ bắt con, ngay từ khi được chỉ định mổ, sản phụ phải đeo 2 lắc với thông tin giống nhau. Sau khi bắt con, hộ sinh sẽ cho mẹ nhìn mặt bé và xác định giới tính, sau đó vệ sinh bé ngay bên cạnh mẹ rồi lấy một chiếc lắc từ tay mẹ sang đeo cho bé và trao cho người nhà đợi sẵn ngoài cửa phòng mổ. Những trường hợp này có phòng sinh mổ riêng biệt, được cách ly nên hoàn toàn yên tâm. Việc tắm cho bé cũng được thực hiện ngay tại phòng hậu sản, có mặt mẹ và người nhà của bé.

Cũng theo điều dưỡng Ngọc Diệp, ngoài việc đeo lắc cho trẻ, các hộ sinh còn ghi thông tin bằng nitrat bạc vào chân bé. Khi xuất viện là một quy trình kiểm tra giấy tờ chặt chẽ từ bộ phận điều dưỡng đến bảo vệ BV. Điều dưỡng Ngọc Diệp khuyên: “Tôi nghĩ, với những BV có chuyên khoa sản thì quy trình đều rất đảm bảo, riêng với những sản phụ chọn sinh ở phòng sinh tư thì cần chú ý hơn”.

Trao em bé cùng mẹ xuất viện ngày 14-3 tại BV Đa khoa khu vực Củ Chi TPHCM    
Ảnh: TRƯƠNG NGỌC

Trong khi đó, BV Đa khoa khu vực Củ Chi là BV tuyến huyện, nhưng mỗi ngày cũng nhận khoảng hơn 10 ca sinh, trong đó có cả các sản phụ người Campuchia. Tương tự như các BV phụ sản lớn tại TPHCM, quy trình “Chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh” cũng được áp dụng tại khoa sản của BV này. Theo bà Lê Thanh Trang, nữ Hộ sinh trưởng khoa Sản, BV Đa khoa khu vực Củ Chi, các bé khi sinh ra sẽ được đặt vào lòng mẹ, sau đó làm các thủ tục vệ sinh cơ thể, cắt rốn và ghi thông tin bằng bút lông loại không bay màu mực. Mọi thủ tục của bé sau đó đều có sự có mặt của sản phụ hoặc người nhà.

Tránh nguy cơ nhầm lẫn

Đại diện Khoa Điều dưỡng BV Từ Dũ cũng cho biết, từ trước đến nay, BV đều thực hiện theo đúng quy trình tốt nhất để không xảy việc nhầm con. Trung bình, mỗi ngày BV có khoảng 200 ca sinh. BV thực hiện theo quy trình chăm sóc sản khoa (EENC) của Bộ Y tế, là bé sinh xong phải theo mẹ. Từ đó, những trẻ được sinh ra vẫn chưa cắt rốn được đặt ngay trên bụng mẹ. Nữ hộ sinh lau nước ối cho trẻ rồi dán miếng băng trắng, tiếp đến gắn vòng lắc tay và ghi chữ trên chân của bé với mực lâu phai (hơn 10 ngày) đều ghi chung một mã số đã cấp cho người mẹ. Vòng đeo tay đó cũng không thể gỡ ra được mà chỉ có cắt đứt. Nếu như có rớt lắc tay thì cũng không thể nhầm do dòng chữ trên chân không thể nào tẩy xóa được. Ngay cả việc tắm cho trẻ cũng được nữ hộ sinh thực hiện tại phòng. Việc đưa con ra BV cũng phải đầy đủ giấy tờ trước sự kiểm tra của bảo vệ. Ngoài ra, trong BV gắn nhiều camera để quan sát tất cả các khâu từ khi sản phụ sanh cho đến khi rời khỏi BV.

Từ các vụ trao nhầm con: Cần thực hiện quy trình chặt chẽ ảnh 2

Vòng đeo tay của trẻ trùng khớp với sản phụ để nhận biết được mẹ với con

BS CKII Nguyễn Văn Mười, Giám đốc BV Đa khoa quận Bình Tân cho biết: Theo quy trình chuyên môn, từ nhân viên y tế tới gia đình, sản phụ được BV quản lý rất chặt chẽ qua thẻ chăm nuôi, giờ quy định ra vào thăm sản phụ. Khi trẻ vừa mới chào đời được đeo vòng tay có mã số bệnh án ngay trước mặt sản phụ. Đặc biệt, tại khoa sản quy định rất nghiêm ngặt việc người nhà bệnh nhân ra vào. Theo chị Trần Thị Thanh Trang, Trưởng nữ hộ sinh Khoa sản BV FV, BV thực hiện quy trình EENC như gắn vòng đeo tay trước mặt sản phụ. Sau khi người mẹ và trẻ khỏe sẽ được đưa lên khoa sản. Tại mỗi phòng bệnh, phòng mổ đều có thẻ ra vào cấp riêng cho nữ hộ sinh, bác sĩ khoa sản. Ngay cả người khoa khác cũng không vào được mà phải bấm chuông nhờ người bên trong mở cửa. Mỗi sản phụ chỉ cấp được 2 thẻ cho người nhà thay phiên vào chăm sóc nhưng cũng phải được bảo vệ dẫn vào tới phòng. Đặc biệt, buổi tối, những phòng nằm chung thì BV không cho người nhà ở lại mà mỗi sản phụ được một điều dưỡng chăm sóc riêng để không thể xảy ra việc trao nhầm con.

Bà Vũ Thị Nhung, Chủ tịch Hội Phụ sản TPHCM khuyến cáo: “Qua những trường hợp xảy ra việc nhầm con thì trách nhiệm cả về người nhà lẫn BV. Quan trọng nhất là người nhà luôn quan sát cùng với sản phụ. Khi mang trẻ đi tắm nên chú ý những đặc điểm riêng của cháu để tránh nhầm lẫn cũng như vòng đeo tay. Nếu có gì khác biệt thì phải báo ngay với BV. Đối với nữ hộ sinh cần phải thực hiện theo đúng quy trình thì mỗi ngày BV có hàng trăm ca sinh cũng không xảy ra sai sót”.

THU HƯỜNG - THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục