Tự do học tập ở Indonesia

Đây là tên chương trình chuyển đổi giáo dục ở Indonesia được áp dụng tại 140.000 cơ sở giáo dục trên cả nước, góp phần đưa giáo dục đến gần hơn với định hướng theo tài năng, sở thích và tiềm năng của học sinh.
Một lớp học tại Trường Tiểu học công lập Sermo 1, Kulon Progo Regency, Yogyakarta, Indonesia
Một lớp học tại Trường Tiểu học công lập Sermo 1, Kulon Progo Regency, Yogyakarta, Indonesia

Trẻ em Indonesia giờ đây có thể nhiệt tình hơn trong học tập vì các hoạt động của học sinh được giáo viên đánh giá một cách toàn diện hơn. Hiệu trưởng các trường và người đứng đầu khu vực giám sát việc thực hiện giáo dục cũng dễ dàng hơn. Chương trình giảng dạy tập trung vào việc học chuyên sâu để phát triển các đặc điểm và năng lực, bao gồm cả việc các trường đại học của bang hiện chú trọng vào đo lường khả năng đọc viết và suy luận của sinh viên.

Theo giáo viên tiểu học Elisabeth Dimara, những thay đổi này diễn ra tại các trường học trên khắp quận Supiori. Trung tâm Giáo dục Supiori hỗ trợ giáo viên sáng tạo và giảng dạy những bài học thú vị và nhân văn. “Tôi luôn lo lắng và không tự tin về việc dạy học, vì thế hay dùng những biện pháp răn đe khi bọn trẻ thiếu tôn trọng giáo viên và bắt nạt bạn bè”, Elisabeth chia sẻ. Trẻ em ở Supriori, nói chung không thích đi học, thường trốn học vì ở trường không bằng ở nhà, bị dạy dỗ khắc nghiệt và buộc phải thuộc bài. Sau đó, Elisabeth tự sáng tạo mô hình giáo dục Trường học vui vẻ (GSM) thông qua việc sẵn sàng tương tác, lắng nghe lý do của trẻ và cung cấp một môi trường học tập tích cực. Người đồng sáng lập GSM Novi Poespita Candra cho biết, giáo dục cần những giáo viên có tính cách meraki, một từ Hy Lạp để mô tả sự sáng tạo và tình yêu. “Trẻ em cần có niềm vui học tập và tư duy phản biện dần hình thành qua quá trình học tập ở trường”, Novi, cũng là giảng viên tâm lý học tại Đại học Gadjah Mada, cho biết.

Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Nadiem Anwar Makarim cho biết, chương trình Tự do học tập, với nhiều giai đoạn, nhằm mục đích tạo ra một môi trường tích cực cho cả thầy lẫn trò. “Học sinh trước đây chỉ học lý thuyết trên lớp. Giờ đây, các em có thể tìm kiếm kiến thức và kinh nghiệm bên ngoài khuôn viên trường với sự hiện diện của các chương trình Tự do học tập”, ông N.A.Makarim giải thích. Hệ thống giáo dục Indonesia đang bước vào một giai đoạn mới, chương trình Tự do học tập đã linh hoạt hơn nhiều, trong đó giáo viên có thể phát triển các dự án sáng tạo để học tập thú vị hơn. Hơn nữa, bộ đã cung cấp một chương trình giáo dục mới với nền tảng giảng dạy độc lập, nơi hơn 1,6 triệu giáo viên trên khắp Indonesia được kết nối để cùng nhau học hỏi và chia sẻ kiến thức.

Trước đây, hiệu trưởng các trường học và hiệu trưởng khu vực gặp khó khăn trong việc giám sát chất lượng giáo dục. Hiện nay, chất lượng giáo dục được cải thiện thông qua việc sử dụng dữ liệu đánh giá giáo dục quốc gia. Các chuyên gia giáo dục tại Indonesia nhận định chính sách giáo dục theo hướng Tự do học tập của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia đã tạo ra những thay đổi trong quan điểm tư duy giáo dục. Trong hội thảo trực tuyến được tổ chức mới đây, một nhà nghiên cứu từ Nhóm nghiên cứu Thanh niên thuộc Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới quốc gia, Norman Luther Aruan, cho biết khái niệm học tập kết hợp vai trò của giáo viên và công nghệ vẫn là phương pháp học tập hiệu quả nhất.

Tin cùng chuyên mục