Tự động hóa vận hành nhà máy nước

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, tốc độ đô thị hóa, kèm theo đó là các quy trình quản lý hiện đại, đòi hỏi ngành nước, nhất là các nhà máy nước phải có những vận dụng và thay đổi. Làm thế nào để thực hiện cấp nước an toàn, tiến tới cấp nước thông minh như yêu cầu của TPHCM hiện nay? Đó là những vấn đề được kỹ sư, lãnh đạo các đơn vị cấp nước trên địa bàn TPHCM và các tỉnh thành chia sẻ tại hội thảo chuyên đề ngành nước năm 2020, do Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh nước sạch Sài Gòn (SWIC) tổ chức.
Vận hành tự động hóa hoàn toàn qua hệ thống SCADA, nhà máy tại SWIC rất ít chuyên viên làm việc
Vận hành tự động hóa hoàn toàn qua hệ thống SCADA, nhà máy tại SWIC rất ít chuyên viên làm việc

Điều khiển từ xa

Tại hội thảo, kỹ sư Hồ Đắc Khương, Phó Giám đốc Xí nghiệp sản xuất nước, đại diện Công ty cổ phần Cấp nước Bà Rịa - Vũng Tàu, chia sẻ giải pháp ứng dụng tự động hóa trong vận hành nhà máy. Theo kỹ sư Khương, thời gian qua việc ứng dụng KHCN đã giúp công ty tạo được bước đột phá trong vận hành nhà máy. Nhiều giải pháp về tự động hóa tại các nhà máy được công ty triển khai. Cụ thể đã thực hiện điều khiển và thu thập dữ liệu qua SMS, từ đó giúp nhân viên kỹ thuật điều khiển các trạm từ xa và các thông số sản xuất được tự động gửi đến người vận hành qua tin nhắn. Dữ liệu các nhà máy cũng được công ty đưa lên hệ thống điện toán đám mây, từ đó có thể giám sát, điều khiển tất cả các hoạt động nhà máy từ xa bằng thiết bị di động.

“Việc đưa dữ liệu lên hệ thống đám mây cho phép chúng tôi chẩn đoán lỗi, bảo trì, sửa chữa phần mềm từ xa mà không cần phải đến nhà máy. Không chỉ vậy, để đặt nền móng cho việc số hóa, công ty cũng đã ứng dụng truyền thông mạng nhằm nâng cao sự tương tác giữa các thiết bị và trạm điều khiểu. Chính nhờ tự động hóa mà các sự cố dù lớn hay nhỏ đều được nhanh chóng phát hiện và xử lý”, kỹ sư Khương chia sẻ. 

Mang đến hội thảo kế hoạch cấp nước an toàn, kỹ sư Huỳnh Thị Vân Chinh, Nhà máy nước Thủ Đức cho biết nhờ hệ thống giám sát online trên tất cả các công đoạn đã giúp nhà máy thực hiện thành công nhiệm vụ cấp nước an toàn. Theo kỹ sư Chinh, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến đã giúp tăng cường giám sát và cảnh báo chất lượng nước thô từ đầu vào đến đầu ra cho khách hàng.

Tối ưu vận hành qua ứng dụng SCADA

Đại diện đơn vị tổ chức, kỹ sư Phạm Hồng Minh, Giám đốc Nhà máy nước Thủ Đức 3 (thuộc SWIC) đã giới thiệu những tiện ích hiện đại từ ứng dụng SCADA trong quản lý vận hành nhà máy nước mang lại. 

Theo kỹ sư Minh, từ khi đưa vào hoạt động tháng 12-2015, Nhà máy nước Thủ Đức 3 được vận hành theo quy trình khép kín và tự động hóa hoàn toàn với công nghệ tiên tiến của CHLB Đức. Mục tiêu hàng đầu của đơn vị là hoạt động sản xuất phải đảm bảo ổn định sản lượng, chất lượng, an toàn lao động, sức khỏe cho nhân viên vận hành và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường. Do đó, ngay từ đầu, lãnh đạo đơn vị đã chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại, trong quá trình hoạt động các kỹ sư đã có nhiều sáng kiến, cải tiến để tiết kiệm năng lượng, hóa chất, nâng cao chất lượng nước, đáp ứng nhu cầu nước sạch chất lượng ngày càng cao cho khách hàng. Tính đến nay công suất nhà máy đạt 300.000 m³/ngày, giúp mang thêm nguồn nước sạch, an toàn đến người dân TPHCM.

Kỹ sư Minh cho biết, điểm nổi bật của hệ thống SCADA chính là điều khiển hệ thống thiết bị từ xa an toàn, hiệu quả và phân tích, xử lý dữ liệu nhanh chóng. Việc ứng dụng SCADA trong quản lý, điều hành đã giúp SWIC tối ưu công tác vận hành tự động chính xác và hiệu quả. Tại SWIC, SCADA được ứng dụng để vận hành trạm biến áp và trạm bơm trung thế không người trực, hệ thống châm hóa chất tự động, giám sát và quản lý chất lượng nước online. Đồng thời, hệ thống camera sản xuất và camera an ninh được tích lập vào SCADA nên nhân viên vận hành từ phòng điều khiển trung tâm có thể vận hành toàn bộ khu vực sản xuất.

Công ty cũng ứng dụng hệ thống NAS vào quản lý dữ liệu tập trung, nhằm tạo môi trường chia sẻ dữ liệu an toàn. Trên cơ sở các hệ thống này, hoạt động bảo trì được tiến hành thuận lợi bởi nhà máy đã được ứng dụng phần mềm phiếu báo sửa chữa. Từ đó mọi hoạt động bảo dưỡng đều được đưa lên hệ thống dữ liệu để nhân viên có thể kiểm tra tình trạng máy móc, thiết bị và công việc của mình. Nhờ ứng dụng công nghệ hàng đầu, điều khiển tự động hóa đã giúp nhà máy vận hành ổn định, hiệu quả với chất lượng vượt trội. Đặc biệt, nhân viên tham gia trực tiếp làm việc giảm - chỉ bằng 1/4 so với các nhà máy khác. Trạm bơm nước thô Hóa An (thuộc Nhà máy nước Thủ Đức 3, đặt tại tỉnh Đồng Nai) cũng được vận hành từ xa từ Phòng điều khiển trung tâm ở Thủ Đức (khoảng cách 11km). Để đảm bảo an toàn, an ninh và sửa chữa nhanh khi có sự cố, SWIC vẫn bố trí một nhân viên trực tại đây.

“Nhờ vận hành tự động hóa hoàn toàn qua hệ thống SCADA nên SWIC chỉ cần bố trí chuyên viên theo dõi các khâu vận hành. Riêng việc bảo trì máy móc thiết bị, theo dõi cảnh báo sửa chữa đều tiến hành qua hệ thống mạng. Tại công ty, bên cạnh hệ thống đo tín hiệu online, nhân viên tại phòng thí nghiệm mỗi giờ đều tiến hành phân tích, kiểm tra chất lượng nước. Nhờ đó, mọi sự cố đều được phát hiện và xử lý kịp thời”, kỹ sư Minh chia sẻ.

Với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm trong đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành Nhà máy nước”, hội thảo tiếp nhận nhiều tham luận chuyên đề từ các đơn vị. Có 8 tham luận được trình bày trực tiếp tại hội thảo do các kỹ sư ngành nước đến từ các đơn vị: Nhà máy nước Thủ Đức, Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư đô thị Việt, Công ty cổ phần Cấp nước Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty cổ phần Rynan technologies Vietnam, SWIC, Công ty TNHH công nghệ định hướng mới, Công ty cổ phần tư vấn - xây dựng Hoàn Mỹ Việt Nam, Công ty TNHH năng lượng môi trường Biển Đông.

Các đại biểu đã làm rõ, chia sẻ kinh nghiệm về quy trình thực hiện cấp nước an toàn, cấp nước thông minh cho thành phố thông minh, giải pháp chống va cho trạm bơm, ứng dụng tự động hóa trong vận hành nhà máy, cách xử lý bùn hiệu quả, lựa chọn nguồn vốn - công nghệ nâng cao hiệu quả đầu tư, ứng dụng SCADA trong quản lý vận hành nhà máy.

Tin cùng chuyên mục