
Không có danh môn chính phái lâu đời nổi tiếng, không phóng tác thành dã sử, không dàn cảnh huyền sử để xây dựng một bố cục võ lâm hoành tráng cho mình, song ngay khi ra đời, Tu La đạo của nhà văn Bộ Phi Yên đã trở thành cuốn sách thách thức những cây đa cây đề của làng tác gia võ hiệp Trung Quốc. Tháng 5 này, Tu La đạo qua bản dịch của Đào Bạch Liên chính thức ra mắt độc giả trong nước.
Lung linh, huyền bí…

Tu La đạo là câu chuyện về năm ngày tương tàn của tổ chức sát thủ Truyền Kỳ, sân khấu cho nó là một thị trấn nhỏ bé hiền hòa mang cái tên rùng rợn có tính định mệnh: Tu La. Câu chuyện ngắn gọn, một người thu nhận và nuôi dưỡng các cô nhi, đào tạo chúng thành những sát thủ, tên đặt theo những nhân vật truyền kỳ, rồi lại ném chúng đến một thị trấn heo hút, mặc cho chúng tàn sát lẫn nhau.
Câu chuyện không có danh môn chính phái lâu đời nổi tiếng, không phóng tác thành dã sử, không giẫm lên vai người đi trước để xây dựng một bố cục võ lâm hoành tráng cho mình, mà chỉ lấy mười hai nhân vật truyền kỳ dân gian thời Đường vào làm nhân vật chính, nhưng lại khôn khéo đến tàn nhẫn khi thay đổi số phận của họ, khiến tất cả bị cuốn vào vòng hư ảo, huyền bí.
Giáo sư văn học Đại học Tây Nam - nhà nghiên cứu văn học võ hiệp Trung Quốc Hàn Vân Ba thừa nhận, tác giả Bộ Phi Yên của Tu La đạo là đệ nhất danh họa, sở trường vẽ người. Truyền kỳ thời Đường đã xác định “không kỳ lạ thì không là truyện”, nhân gian không đủ để làm truyền kỳ, mà phải dùng đến lục đạo u minh.
Về mặt này, Bộ Phi Yên đã biểu hiện xuất sắc hơn hẳn các tác gia truyền kỳ, các tình tiết được kết hợp và xây dựng khéo léo, mọi sự kiện được sắp đặt bởi năng lực con người chứ không phải thần thánh phương trời nào hết. Vì vậy, trên mỗi trang của tiểu thuyết, dù là võ công, bối cảnh, cái chết hay nhân vật đều khá toàn mỹ.
Về mặt nghệ thuật, Tu La đạo đã phát triển hình thức truyền kỳ dân gian tới mức diễm lệ lung linh, trong khi tình tiết, nhịp điệu và cách thức gỡ nút đều dồn dập, đậm nét đặc thù của văn chương thời đại hậu công nghiệp. Cũng vì thế mà có nhà phê bình nhận xét Tu La đạo là “nơi ký thác mâu thuẫn trong sáng tạo”.
Mộ Dung Vô Ngôn, nhà văn, nhà phê bình tiểu thuyết võ hiệp nhận xét: “Không dài lắm nhưng Tu La đạo vẫn khiến người ta phải bận tâm suy nghĩ, liên tưởng sâu xa, ồn ào tranh cãi, ấn tượng để lại còn lớn hơn nhiều tác phẩm kiếm hiệp đồ sộ có chiến tranh, chính trị, bang phái, trăn trở chính tà”…
Đánh động từ những trang đầu
Tu La đạo là một trong rất ít cuốn sách mà khi xuất hiện lần đầu ở mục truyện dài kỳ trên báo đã dấy lên nhiều tranh luận và được giới phê bình mổ xẻ trước khi in thành sách.
Nhiều người cho rằng sở dĩ cuốn sách “đánh động” được độc giả vì tác giả Bộ Phi Yên cố ý viết sao cho mọi dàn cảnh đều in dấu tích bàn tay con người và nỗ lực theo đuổi khả năng đoạt quyền hóa công ấy càng làm cho ý nghĩ cuộc sống thêm sâu xa, bí ẩn.
Bộ Phi Yên tên thật là Tân Hiểu Quyên, sinh năm 1981 tại Thành Đô, tốt nghiệp Văn khoa Đại học Bắc Kinh năm 2003. Năm 2006, cô đã bảo vệ xuất sắc luận văn thạc sĩ về văn học cổ đại Trung Quốc.
Tu La đạo không phải tiểu thuyết đầu tiên của Bộ Phi Yên, trước đó cô đã viết nhiều tiểu thuyết võ hiệp như Hải Chi Yêu, Hoa Âm Lưu Thiều… và gần nhất là Kiếm Hiệp tình duyên - tác phẩm cực kỳ hút khách - một phần vì đã được Nhóm Kingsoft phát triển thành game online song song với quá trình xuất bản.
Nhưng phải đến Tu La đạo, dấu ấn của Bộ Phi Yên mới rõ nét. Trong lần ra sách đầu tiên vào cuối tháng 11- 2006 tại Trung Quốc, Tu La đạo đã in 200.000 cuốn và chỉ trong một tháng sách đã bán hết. Cho tới nay, số bản tiêu thụ của Tu La đạo tại Trung Quốc khoảng 700.000 cuốn, tại Hồng Công và Đài Loan cỡ 200.000 cuốn.
Với thành công này, tác giả Bộ Phi Yên đã bước chân vào danh sách CLB nhà văn triệu phú của Trung Quốc với bản hợp đồng trị giá 2 triệu nhân dân tệ ký với Nhà xuất bản Thế kỷ XXI xuất bản trong bốn năm mọi tác phẩm của cô.
MAI AN
(Báo SGGP 12G)