Khi chuông reo hết giờ, học sinh (HS) vẫn còn mải suy nghĩ về bài học. Một nhóm HS còn chạy theo cô ra đến tận cửa để khoe: “Tụi con vừa tìm thêm được một cách giải nữa”. Rồi cô và trò cùng cười phá lên với niềm hạnh phúc lâng lâng. Đó chính là hình ảnh ở lớp ngoại khóa giảng dạy toán bằng tiếng Anh ở Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
Mì Ý - xí ngầu và bất đẳng thức
Chiều thứ bảy, tiết học toán tiếng Anh lớp 7 do hai cô giáo trẻ Trần Thúy Hằng và Phạm Như Ý đảm trách bắt đầu. Lớp học chia làm 4 nhóm và được phát học cụ mì Ý (chưa chế biến) và hột xí ngầu.
Ở tiết một, cô giáo Như Ý phụ trách phần gợi mở tư duy cho HS. Bài học hôm nay mang tên bất đẳng thức tam giác (nếu trong chương trình chính khóa, HS sẽ học bài này trong tuần sau bằng tiếng Việt). Với dụng ý muốn kiểm tra cũng như rèn luyện khả năng tư duy của HS, hai cô giáo trẻ sử dụng bài mới chưa học tới.
Cô Như Ý ghi trên bảng 4 cột: triangles (các hình tam giác), side 1 (cạnh 1), side 2, side 3, side 4. Theo hướng dẫn của cô Như Ý, mỗi nhóm HS bẻ các que mì Ý ứng với những lần lắc xí ngầu để tạo nên các hình tam giác. Sau 20 phút thực hành, các nhóm sẽ ghi kết quả, độ dài nào có thể ghép 3 cạnh thành hình tam giác, độ dài nào không thể. Ví dụ, nhóm 1 ghi kết quả 6 - 4 - 6: Yes (có); nhóm 2: 1 - 4 – 6: No (không).
Cô giáo sẽ đặt câu hỏi vì sao có lúc làm được tam giác, lúc không? Một HS trả lời chưa đúng, em thứ 2 gần đúng và em thứ 3 rút kinh nghiệm từ hai bạn nên trả lời hoàn toàn chính xác. Cô giáo bắt đầu ghi bài học lên bảng và ghi công thức, vẽ hình. AB + BC > AC hoặc BC > AC - AB. Cô giáo đề nghị HS ghi công thức khác từ gợi ý công thức của cô trên bảng. Đến lượt xung phong lần thứ 2 của HS, các em có thể ghi chính xác AB + BC > AC > AB - BC, chính là trọng tâm của bài học hôm nay. Như vậy, chính HS chủ động hoàn toàn, GV chỉ hướng dẫn, gợi ý.
Đến tiết 2, cô Thúy Hằng cho các em HS giải 4 bài tập toán tiếng Anh giúp các em khắc sâu kiến thức. Những bài tập ứng dụng cho bài học bất đẳng thức tam giác được cô Hằng lấy từ nhiều nguồn, mà muốn giải được chúng, HS phải suy nghĩ đa chiều mới chọn được đáp án đúng. Ngoài ra, trong bài tập còn có câu hỏi mở giúp HS tiếp tục tư duy đến tận cùng bản chất của vấn đề.
Chuông reo hết giờ học, hai cô giáo nhận xét chất lượng buổi học và cám ơn sự hợp tác của các em HS. 2 tiết học trôi qua thật nhẹ nhàng, hầu hết các em đều giơ tay phát biểu tạo một không khí sinh động, hào hứng.
Sơ đồ tư duy
Từ năm học 2008 - 2009, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa bắt đầu đưa tiết học ngoại khóa toán tiếng Anh vào giảng dạy cho HS lớp 6. Không giáo trình, không sách vở, chỉ có duy nhất niềm tin của thầy hiệu trưởng Nguyễn Bác Dụng, “nhạc trưởng” Thúy Hằng phải “bao sân” hết. Dẫu cho HS chuyên Anh của trường có nền tảng tiếng Anh khá tốt, nhưng với các công thức, khái niệm, định nghĩa toán bằng tiếng Anh, các em chưa bao giờ học, với phương pháp giảng dạy chú trọng sáng tạo cho trò, thì quả thật không hề dễ dàng cho cả cô và trò. Ban đầu, tiếng Anh chỉ sử dụng 50% trong buổi dạy, rồi được tăng dần lên 70%, 90% và sau một năm học, toán tiếng Anh trở thành… chuyện nhỏ.
Một điều thuận lợi nữa cho chương trình toán tiếng Anh năm nay là sự hợp tác ăn ý giữa cô Thúy Hằng và cô Như Ý (tốt nghiệp Sư phạm toán Trường UCI, Mỹ). Qua mấy tháng làm việc cùng nhau, cả hai cô đã lồng được phương pháp hiện đại của Mỹ vào khung chuẩn của chương trình toán Việt Nam. Vẫn là chương trình cũ nhưng phương pháp sẽ thay đổi như tạo các hoạt động để HS tự khám phá bài học, sử dụng học cụ phù hợp tạo ra trò chơi có thi đua giữa các nhóm để tăng thêm sự hứng thú.
Cô Như Ý chia sẻ: Học cụ được tận dụng từ nhiều nguồn mì Ý, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, tăm tre, cúc áo nhiều màu, xí ngầu, nón lá, quạt…; hay có những học cụ phải cắt từ xốp rồi dán đề can màu cho đẹp. Cô Thúy Hằng cũng hào hứng cho biết thêm: “Tôi phát hiện có rất nhiều bài toán khó không hề sử dụng bất cứ công thức, định lý nào vẫn giải được một cách hết sức sáng tạo và thú vị. Do vậy, tôi bắt đầu tập HS tư duy đa chiều, suy nghĩ, phân tích bài toán theo nhiều hướng khác nhau. GV sẽ hướng dẫn HS tìm mối tương quan giữa các vấn đề trong môn toán, giữa môn toán và các môn khoa học khác, giữa môn toán và cuộc sống. Sau cùng, GV sẽ hệ thống bài học dưới dạng mindmap (sơ đồ tư duy) giúp HS khắc sâu bài học và có thể liên hệ với cuộc sống thông qua các hình vẽ do các em tự sáng tạo”.
Trong các lớp toán tiếng Anh, khi không còn áp lực nặng nề của chương trình, của điểm số, hai cô mới thấy sự sáng tạo tuyệt vời của HS. Rất nhiều lần nhìn các em thảo luận theo nhóm, tranh nhau lên bảng để giải những bài toán tiếng Anh, các cô tự dặn lòng phải cố gắng hơn nữa cho những “hạt giống tốt” này phát triển tốt hơn nữa. Nếu tình cờ lạc vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, ta sẽ bắt gặp hình ảnh HS níu áo cô sau giờ học để năn nỉ: “Mai học nữa đi cô!”, thì đó chính là lớp học toán tiếng Anh của hai cô giáo trẻ Thúy Hằng và Như Ý.
HỒNG LIÊN