(SGGPO). – Theo báo cáo trình Chính phủ, Bộ Công thương cho biết, Australia đã chính thức cho phép nhập khẩu quả vải tươi từ Việt Nam trong năm nay.
Từ báo cáo này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương hướng dẫn, phổ biến các yêu cầu kỹ thuật, quy định cụ thể của thị trường nhập khẩu đến các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và người dân để bảo đảm sản phẩm xuất khẩu đáp ứng yêu cầu của thị trường, tạo điều kiện giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo văn bản của Bộ Nông nghiệp Australia gửi Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), kể từ ngày 18-4-2015, các doanh nghiệp có nhu cầu có thể chính thức xin giấy phép nhập khẩu với cơ quan kiểm dịch thực vật của Australia để ký kết các hợp đồng thương mại. Theo quy định của Australia, để xuất khẩu quả vải tươi của Việt Nam vào thị trường Australia, phải đảm bảo các yêu cầu về vùng trồng, về cơ sở đóng gói vải, về xử lý chiếu xạ và về kiểm dịch lô vải xuất khẩu.
Để triển khai có hiệu quả việc xuất khẩu quả vải tươi sang thị trường Australia, Cục Bảo vệ thực vật sẽ thông báo và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp và đặc biệt là người trồng vải thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật đối với quả vải tươi xuất khẩu đi Australia. Đồng thời, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu quả vải tươi ngay trong vụ vải năm 2015.
Hiện Bắc Giang là vùng trồng vải lớn nhất của nước ta. Ông Bùi Văn Hải, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 35.000 ha vải; trong đó 8.000 ha là theo chuẩn VietGAP. Lượng vải xuất khẩu hàng năm khoảng 100.000 tấn (chủ yếu qua thị trường Trung Quốc), còn lại trên 100.000 tấn tiêu thụ nội địa. Mùa vải năm nay, tỉnh phối hợp với các bộ ngành liên quan tích cực chuẩn bị để chào hàng vào 2 thị trường Mỹ và Australia.
Để nâng cao chất lượng vải, nhất là cho xuất khẩu, tỉnh đã hỗ trợ nông dân, tập huấn, triển khai chương trình VietGAP từ kỹ thuật, hỗ trợ thị trường. Chính quyền không thu bất cứ chi phí nào của nông dân. Mục tiêu là ổn định vùng trồng vải, nâng chất lượng lên, ổn định tiêu thụ, kéo dài thời gian bảo quản quả vải sau thu hoạch, chống được sâu bệnh. Tới đây, tỉnh Bắc Giang sẽ tập trung chỉ đạo chuyển từ giống vải truyền thống sang vải chất lượng, chuyển từ mô hình hộ sang liên kết với doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.
PHAN THẢO