Tư vấn kinh tế - pháp luật

° HỎI

° HỎI:  Tôi là thành viên sáng lập cũng là thành viên hợp danh của một công ty hợp danh về kiểm toán tại TPHCM. Vừa rồi, gia đình tôi có ý định kinh doanh ngành khách sạn nên định mở doanh nghiệp tư nhân và cho tôi làm giám đốc doanh nghiệp vì tôi là con trai duy nhất và cũng là người có trình độ cao nhất trong gia đình. Tuy nhiên, tôi có nghe nói vì tôi đã là thành viên hợp danh nên tôi không thể làm giám đốc của doanh nghiệp tư nhân. Tôi có thể làm giám đốc doanh nghiệp tư nhân hay không? (Nguyễn Hoàng Lâm, email: nguyenhoanglam@...)

° ĐÁP:  Căn cứ Điều 133, khoản 1 Luật Doanh nghiệp 2005 thì thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác, trừ khi được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại. Và căn cứ Điều 143, khoản 2 Luật Doanh nghiệp 2005 thì chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình. Do vậy, để trả lời câu hỏi trên của anh, tôi chia ra 2 trường hợp sau:

Trường hợp 1: Nếu gia đình anh thành lập doanh nghiệp tư nhân và muốn anh đứng tên làm chủ doanh nghiệp tư nhân kiêm luôn giám đốc điều hành doanh nghiệp thì căn cứ vào Điều 133, khoản 1 Luật Doanh nghiệp 2005 nêu trên, anh chỉ được quyền làm khi nào có sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại trong công ty kiểm toán của anh.

Trường hợp 2: Nếu anh không đứng tên làm chủ doanh nghiệp tư nhân (có thể để một thành viên trong gia đình anh làm chủ doanh nghiệp) mà anh chỉ là giám đốc điều hành doanh nghiệp, thì căn cứ vào hai điều luật trên, anh có quyền làm việc này vì pháp luật không cấm. Hơn nữa, việc này không cần sự đồng ý của các thành viên hợp danh khác trong công ty kiểm toán của anh.

Tóm lại, anh có thể làm giám đốc để điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân gia đình anh nếu anh không đứng tên làm chủ doanh nghiệp tư nhân đó. Lưu ý là trong trường hợp này, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn là người chịu trách nhiệm chính về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (Điều 143, khoản 1 Luật Doanh nghiệp 2005).

° HỎI: Công ty chúng tôi (trụ sở ở TPHCM) có ký một hợp đồng vận chuyển hàng hóa với công ty vận chuyển đường biển (trụ sở ở TPHCM) để vận chuyển hàng hóa từ cảng Singapore về cảng TP. Hợp đồng quy định công ty vận chuyển sẽ dành nguyên con tàu để vận chuyển hàng hóa cho công ty tôi và trong trường hợp có tranh chấp xảy ra liên quan đến hợp đồng vận chuyển này thì áp dụng luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, công ty vận chuyển đã giao hàng trễ đến 5 ngày làm cho công ty tôi bị tổn thất. Công ty tôi đã yêu cầu phía công ty vận chuyển phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại theo hợp đồng, nhưng bên phía vận chuyển đã từ chối bồi thường, viện dẫn là trong vận đơn có quy định họ được miễn trách nhiệm trong trường hợp giao hàng chậm. Công ty tôi có được bồi thường không, vụ việc này sẽ giải quyết theo nội dung hợp đồng hay vận đơn? (…nguyen@yahoo.com)

° ĐÁP: Do trong hợp đồng vận chuyển có thỏa thuận áp dụng pháp luật Việt Nam khi có tranh chấp xảy ra nên tranh chấp về việc giao hàng chậm so với quy định trong hợp đồng sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Căn cứ khoản 2, Điều 71 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005 thì hợp đồng giữa công ty bạn và công ty vận chuyển là hợp đồng vận chuyển theo chuyến. Như vậy, mối quan hệ về quyền và nghĩa vụ giữa công ty bạn và công ty vận chuyển liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa sẽ được giải quyết căn cứ vào bản hợp đồng được ký giữa hai bên, chứ không căn cứ vào vận đơn. Vì trong trường hợp này, vận đơn chỉ được sử dụng để điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển và người giữ vận đơn mà không phải là người thuê vận chuyển (Điều 100, Bộ luật Hàng hải 2005).
Như vậy, căn cứ vào hợp đồng vận chuyển hàng hóa được ký giữa công ty bạn và công ty vận chuyển, công ty vận chuyển có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty bạn do việc giao hàng chậm gây nên.  

Th.S Nguyễn Thị Hồng Nhung
(Khoa Luật - Đại học Kinh tế Luật)

Tin cùng chuyên mục