Tư vấn Kinh tế - Pháp luật

° Xin vui lòng cho biết thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần có được vừa lãnh lương hàng tháng lại vừa lãnh phí thành viên HĐQT hàng tháng do công ty chi trả (gồm có giám đốc và phó chủ tịch HĐQT chuyên trách, cũng đều là thành viên HĐQT)? Trong điều lệ công ty chỉ quy định thành viên HĐQT kiêm nhiệm hoặc chuyên trách được hưởng thù lao công vụ và được đài thọ các chi phí khác. Mức thù lao do Đại hội đồng cổ đông quyết định và các căn cứ pháp luật liên quan (Trần Huy, TPHCM).

° Th.S Đoàn Thị Phương Diệp: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định 44/CP hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động thì thành viên HĐQT doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng hợp đồng lao động, như vậy không thể hưởng lương với tư cách người lao động.

Trong khi đó, Khoản 1 Điều 117 của Luật Doanh nghiệp 2005 thì quy định: “Công ty có quyền trả thù lao, tiền lương và thưởng cho thành viên HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc và người quản lý khác theo kết quả và hiệu quả kinh doanh”. Khoản 2 điều này nêu rõ: “Thành viên HĐQT được hưởng thù lao công việc và tiền thưởng. Thù lao công việc được tính theo số ngày công cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ của thành viên HĐQT và thù lao mỗi ngày. Giám đốc hoặc tổng giám đốc được trả lương và tiền thưởng”.

Từ hai quy định trên và căn cứ theo tình huống mà anh nêu, tôi cho rằng việc giám đốc doanh nghiệp đồng thời là thành viên HĐQT vẫn có quyền nhận cùng lúc hai khoản tiền lương (theo hợp đồng) và thù lao với tư cách là thành viên HĐQT khi thực hiện các công việc được giao với tư cách thành viên HĐQT. Còn nếu chỉ là chủ tịch hay thành viên HĐQT mà không đồng thời là người lao động theo hợp đồng lao động thì chỉ có thể nhận thù lao với tư cách là thành viên HĐQT mà thôi, không được trả lương.

° Gia đình tôi hiện đang sử dụng 30 công đất ruộng tại Long An. Chúng tôi định mua thêm một ít đất để canh tác nhưng rất do dự vì có người nói rằng, theo quy định của nhà nước, nếu gia đình tôi mua đất quá nhiều sẽ phải đóng thêm tiền cho nhà nước và sau này còn có thể bị nhà nước lấy lại bớt. Vậy cho tôi hỏi, điều đó có đúng không? (Trần Văn Sinh, Long An).

°  Th.S Trương Trọng Hiểu: Theo quy định của pháp luật, nhà nước chỉ khống chế diện tích đất sử dụng tối đa đối với đất nông nghiệp trong 2 trường hợp là đất được nhà nước giao không thu tiền và đất nhận quyền từ người khác. Do đó, ngoài 30 công đất đang sử dụng, nếu gia đình ông muốn nhận chuyển quyền từ người khác thì lưu ý quy định về diện tích đất tối đa được nhận chuyển quyền như sau:

1. Đối với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối: diện tích đất được nhận chuyển quyền là không quá 6ha.

2. Đối với đất trồng cây lâu năm: diện tích đất được nhận chuyển quyền là không quá 20ha.

3. Đối với đất rừng sản xuất là rừng trồng: diện tích đất được nhận chuyển quyền là không quá 50ha.

Ngoài phần diện tích đất tối đa được nhận chuyển quyền, nếu gia đình ông vẫn tiếp tục có nhu cầu sử dụng đất nhiều hơn thì gia đình ông có thể xin thuê đất của nhà nước hoặc thuê đất hay nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ các chủ thể sử dụng đất khác.

Nếu diện tích đất gia đình ông nhận chuyển quyền nhiều hơn những con số nói trên thì phần diện tích đất dôi ra hàng năm gia đình ông phải trả thêm tiền thuê đất cho nhà nước.

Đặc biệt, sau khi tiến hành nhận đất bằng các thủ tục nói trên, gia đình ông sẽ vẫn được sử dụng đất nếu như thời hạn sử dụng đất vẫn còn. Hết thời hạn sử dụng đất mà gia đình ông vẫn còn nhu cầu thì có thể tiếp tục xin gia hạn thời hạn sử dụng. Việc thu hồi chỉ diễn ra khi nhà nước có nhu cầu theo những trường hợp luật đã quy định rõ.

Tin cùng chuyên mục