- Xin quý báo cho biết làm thế nào để phân biệt công chức và viên chức?
Nguyễn Mỹ Anh, quận 8, TPHCM
>> Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức 2008 thì cán bộ, công chức là những đối tượng sau đây:
+ Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
+ Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, theo quy định của Luật Viên chức 2012 thì viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
- Năm nay tôi 52 tuổi, tôi đã làm việc tại một doanh nghiệp trước đây là doanh nghiệp nhà nước, hiện nay đã được cổ phần hóa. Tôi đã đóng bảo hiểm xã hội được 27 năm. Hiện nay tình hình sức khỏe của tôi không được tốt nên tôi muốn làm thủ tục hưởng lương hưu. Như vậy theo quy định thì tôi đã đủ điều kiện hưởng lương hưu hay chưa ?
Trần Nam Đồng, quận 3, TPHCM
>> Người lao động nghỉ hưu và được hưởng lương hưu hàng tháng khi thỏa mãn các điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi nghỉ hưu, theo quy định tuổi nghỉ hưu trong điều kiện bình thường là 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam. Trong tình huống của anh vì anh không nói cụ thể về môi trường và điều kiện làm việc nên giả thuyết là anh làm việc trong điều kiện bình thường.
Theo quy định của Nghị định 152/CP (hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội 2006 thì với độ tuổi của anh chỉ có thể thỏa mãn điều kiện hưởng lương hưu nếu người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với mức lương hưu của người đủ điều kiện quy định tại Điều 26 nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau (thấp hơn theo mức tính là mỗi năm về hưu trước tuổi sẽ bị trừ đi 1%):
1. Nam đủ 50 tuổi trở lên, nữ đủ 45 tuổi trở lên.
2. Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì không kể tuổi đời.
Như vậy, anh 52 tuổi và có 27 năm đóng bảo hiểm xã hội, nếu có thêm điều kiện suy giảm khả năng lao động 61% trở lên thì có thể làm thủ tục nghỉ hưởng lương hưu hàng tháng.
TS ĐOÀN THỊ PHƯƠNG DIỆP
(Khoa Luật, ĐH Kinh tế Luật)
| |