Từ vụ chìm tàu du lịch ở Cần Thơ: Chưa nghiêm túc thực hiện an toàn giao thông thủy

Từ vụ chìm tàu du lịch ở Cần Thơ: Chưa nghiêm túc thực hiện an toàn giao thông thủy

Đến chiều tối 22-3, cơ quan chức năng ở TP Cần Thơ vẫn chưa có kết luận chính thức về vụ tàu chở du khách nước ngoài đụng sà lan trên chợ nổi Cái Răng làm 2 người chết sáng 21-3. Tuy nhiên, tai nạn này một lần nữa là lời cảnh báo cho sự mất an toàn giao thông thủy đang diễn ra phổ biến tại chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung, nhất là đối với các tàu thuyền phục vụ khách du lịch tham quan trên sông.

Từ vụ chìm tàu du lịch ở Cần Thơ: Chưa nghiêm túc thực hiện an toàn giao thông thủy ảnh 1

Giao thông tại khu vực chợ nổi Cái Răng rất phức tạp.

Trong vụ tai nạn nghiêm trọng sáng 21-3, tài công Hồ Trung Nam điều khiển tàu du lịch loại nhỏ, thật sự chỉ là một chiếc vỏ lãi bằng gỗ khá cũ kỹ được sơn phết và trang bị mái che, băng ghế rất sơ sài, không biển số… đã chở tất cả 13 người, trong khi quy định chỉ được chở tối đa 10 người Việt Nam.

Khi xảy ra tai nạn, toàn bộ 12 du khách và tài công đều không mặc áo phao. Làm việc với cơ quan chức năng, tài công Nam cũng không xuất trình được các giấy tờ cần thiết như bằng lái, giấy đăng ký, đăng kiểm… Càng khó chấp nhận được khi người điều khiển phương tiện, nắm giữ sinh mạng 12 du khách lại không tham gia cứu hộ mà lại nhanh chóng “biến” khỏi hiện trường khi tai nạn xảy ra.

Tuy nhiên, vụ việc này không thể đổ tất cả cho người điều khiển phương tiện mà quên trách nhiệm của cơ quan chức năng như: ngành giao thông vận tải, cảnh sát giao thông thủy, chính quyền địa phương quận Ninh Kiều, Cái Răng và đặc biệt là ngành du lịch Cần Thơ. Nhiều năm qua, khi ngành du lịch phát triển, thì chợ nổi Cái Răng, bến Ninh Kiều là điểm tham quan độc đáo thu hút rất đông du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Cũng từ đó, tại khu vực chợ nổi Cái Răng, bến Ninh Kiều hình thành đội quân hàng trăm tàu thuyền của người dân tự đứng ra tổ chức đưa khách tham quan. Phần lớn các phương tiện này đảm nhiệm phục vụ khách trong nước du lịch theo kiểu tự túc. Việc này chẳng lẽ các ngành chức năng và chính quyền địa phương không biết, không quản lý mà để xảy ra chuyện một phương tiện thiếu an toàn như thế chở số du khách quốc tế quá quy định cho phép.

Ngoài ra, vụ tai nạn này đã bộc lộ một bất cập rất lớn, tồn tại nhiều năm trong hoạt động du lịch, tham quan chợ nổi. Đó là hầu như toàn bộ các du khách tham quan chợ nổi theo kiểu đăng ký tour tự túc thường không được các hãng lữ hành cũng như các điểm cung cấp dịch vụ tàu du lịch tại địa phương mua bảo hiểm. Rõ ràng đây là một hành động quá xem thường việc đảm bảo an toàn cho “thượng đế”.

Từ vụ chìm tàu du lịch này, để chợ nổi Cái Răng tiếp tục là điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước thì chính quyền địa phương, các ngành chức năng ở Cần Thơ, nhất là ngành du lịch và các hãng lữ hành phải nhìn nhận lại, hết sức chú trọng thực hiện nghiêm túc các vấn đề đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách…

Số liệu điều tra mới đây của Ban An toàn giao thông TP Cần Thơ, cho thấy, toàn thành phố hiện có 65.991 phương tiện giao thông thủy các loại. Trong số này mới có 5.501 phương tiện đăng ký; chưa đăng ký, đăng kiểm là 25.903 chiếc (chiếm trên 82%), số phương tiện còn lại không phải qua đăng ký. Toàn thành phố có 1.578 thuyền trưởng nhưng mới có 168 người có chứng chỉ chuyên môn…

Trong tổng số 134 bến đò khách ngang sông chỉ có 86 bến có giấy phép hoạt động, 78 người điều khiển phương tiện có bằng cấp theo quy định và 110 phương tiện hoạt động tại bến có đăng ký đăng kiểm…

Bình Đại

Thông tin liên quan:

>> Cần Thơ: Tàu chở du khách nước ngoài đụng sà lan

Tin cùng chuyên mục