Tuần lễ chống bắt nạt

Hàng năm, tại vùng Flanders (nói tiếng Hà Lan, thuộc Bỉ) đều tổ chức Tuần lễ chống bắt nạt từ 22-2 đến 1-3. Không chỉ trường học mà các hội cha mẹ học sinh, tổ chức thanh thiếu niên, câu lạc bộ thể thao, cơ quan truyền thông... cũng vào cuộc.

Trong Tuần lễ chống bắt nạt 2019, các con tôi về nhà với bốn chấm tròn nhỏ vẽ đối xứng trên mu bàn tay. Chỉ 4 chấm nhỏ làm sao chống lại bắt nạt? Con trai 8 tuổi của tôi giải thích: "Đó là 4 thông điệp chống bắt nạt: Tôi nhận thấy bắt nạt là không tốt và sẽ chẳng bao giờ làm điều này; Tôi sẽ nói ra điều này nếu cảm thấy buồn tủi hoặc sợ hãi vì bị bắt nạt; Tôi không tẩy chay ai, đối với tôi mọi người nên bên nhau; Tôi sẽ cố gắng đứng lên bảo vệ người bị bắt nạt". Khi đến trường mẫu giáo và tiểu học, lúc giơ tay ra để vẽ 4 chấm nhỏ, các bạn trẻ cùng lúc được giáo dục ý thức: không bắt nạt ai và cũng cố gắng để không bị ai bắt nạt. Còn ở cấp trung học, các poster dán khắp hành lang mang thông điệp "Nếu cảm thấy bị bắt nạt, hãy nói chuyện với thầy cô hoặc chuyên gia tâm lý. Họ luôn có mặt nếu các em cần".

Nhưng thế nào là bắt nạt? Tôi nghĩ không nên để khi thành to chuyện (bị đánh hội đồng, tung clip lên mạng, trẻ phẫn uất tự tử...) mới biết, mới phẫn nộ, mới rầm rộ lên án. Lúc đó đã quá muộn.

Một cô gái 21 tuổi ở vùng này từng kể ra những trải nghiệm thời đi học để bổ sung nhận thức về bắt nạt. Những câu nói tưởng vô hại, cái nhìn khinh miệt, cử chỉ dè bỉu... cũng làm những tổn thương tích tụ và ảnh hưởng tâm lý trẻ em. "Tôi bị bắt nạt từ lớp Một đến lớp Bảy. Trời ơi, 7 năm cơ đấy, tức là 1/3 quãng đời tôi đã sống. Bắt đầu là những câu nói bâng quơ nhằm vào tôi như đồ nhát như cáy, yếu như sên, con cận lòi kìa... Theo năm tháng, mọi chuyện càng nặng nề hơn, những câu nói này cứ vang tiếp trong đầu tôi. Khi tôi kể với thầy cô, chúng chửi tôi là đồ hóng hớt, mách lẻo. Học cao lên thì bắt nạt cũng tinh vi và xoáy vào thân thể hơn. Chúng bảo tôi xấu và bẩn vì lông măng ở tay và chân sẫm màu, răng tôi giống răng ma cà rồng...".

1, 2, 3... Hành động! Đó là khẩu hiệu thường trực của “Mạng lưới Người Flanders chống nạn bắt nạt” do 3 tổ chức đầu não gồm Go!Ourders, KOOGO và VCOV (chuyên về giáo dục, phụ huynh học sinh, trường học) nêu ra và quảng bá hàng năm. Mạng lưới này cung cấp kinh nghiệm chống bắt nạt, hỏi - đáp miễn phí, tổ chức các cuộc thảo luận về đề tài này cho cha mẹ học sinh trong Tuần lễ chống bắt nạt. Theo những cuộc thăm dò, khảo sát liên tục từ hàng ngàn học sinh ở nhiều lứa tuổi, người ta đưa ra con số trung bình, cứ 5 đứa trẻ ở Flanders thì có 1 trẻ bị bắt nạt. Cứ 20 trẻ thì có 1 trẻ bị bắt nạt hàng ngày. Bắt nạt ở trường học tiếp tục diễn ra và là vấn đề cần cảnh tỉnh, giải quyết thường xuyên, lâu dài. 

Từ 2012 đến 2016, các nạn nhân của tệ bắt nạt đã giảm từ 25% xuống 20%. Nhưng các chuyên gia vẫn nhắc nhở trên tờ Klasse: Cần tiếp tục cảnh giác, chú ý. Trường học phải tiếp tục tham gia chiến dịch chống bắt nạt hàng năm. Kênh truyền hình chiếu phim, cung cấp clip chống bắt nạt, các đường dây nóng, các trang web... sẵn sàng nghe tâm sự của trẻ em, hướng dẫn cha mẹ cách nhận ra dấu hiệu con bị bắt nạt và trợ giúp biện pháp giúp con vượt qua sang chấn tâm lý. Nếu muốn, tôi cũng có thể vào các trang web này để tải poster miễn phí, in ra và dán trước cửa nhà, góp một chấm nhỏ nâng cao nhận thức về chống bắt nạt.

Tin cùng chuyên mục