Tươi mới văn học Cần Thơ

Vào năm 1995, lần đầu tôi đến Cần Thơ cùng với các nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Phạm Sỹ Sáu, Lê Minh Quốc… để tham quan và giao lưu văn học, báo chí. Bấy giờ, Cần Thơ còn là thành phố trực thuộc tỉnh Hậu Giang.
Tươi mới văn học Cần Thơ

Vào năm 1995, lần đầu tôi đến Cần Thơ cùng với các nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Phạm Sỹ Sáu, Lê Minh Quốc… để tham quan và giao lưu văn học, báo chí. Bấy giờ, Cần Thơ còn là thành phố trực thuộc tỉnh Hậu Giang.

Sau khi đoàn nhà báo, nhà văn trở về TPHCM, một mình tôi ở lại Cần Thơ thêm vài ngày nữa, được các bạn thơ Phù Sa Lộc, Võ Minh Đường, Huỳnh Duy Lộc đưa xuống thuyền đi thăm chợ nổi Phong Điền và một số thắng cảnh di tích của Tây Đô. Trong cơn mưa nặng hạt trên dòng Hậu Giang, tôi đã sáng tác bài Cần Thơ tặng ba bạn thơ, trong đó có đoạn:

Đất Tây Đô trọng nghĩa khinh tài
người Tây Đô mê cải lương hơn vua mê cung nữ
huyết quản ta bài chòi
vốn cùng nòi tài tử
đế rắn bạn hiền nghiêng bạt sông mưa

Đoàn nhà thơ TPHCM chụp ảnh lưu niệm với Trại Sáng thơ Cần Thơ

Bây giờ, tròn 20 năm sau, nhận lời mời của Hội Nhà văn Cần Thơ kết nghĩa, tôi cùng các nhà thơ Vũ Trọng Quang, Ngô Liêm Khoan và Tiểu Quyên của Hội Nhà văn TPHCM về Tây Đô tham dự Trại Sáng tác thơ năm 2015 diễn ra cuối tháng 6 đầu tháng 7. Giữa hai chuyến đi ấy, tôi còn đến Cần Thơ nhiều lần, gặp gỡ được nhiều bạn văn mới, nhưng cũng ngậm ngùi vĩnh viễn chia xa những người mình quý mến, như nhà thơ Võ Minh Đường, nhà văn lão thành Nguyễn Quang Sáng, người đồng hành với tôi trong chuyến về Cần Thơ đầu tiên, giờ đã thành người thiên cổ…

Cần Thơ hiện là thành phố trực thuộc trung ương, cũng là địa phương duy nhất ở khu vực ĐBSCL đã thành lập Hội Nhà văn. Lực lượng cầm bút ở đây ngày càng lớn mạnh. Giống như Hà Nội và TPHCM, Cần Thơ là một trung tâm thu hút nhân lực từ các nơi về sống và làm việc, trong đó có nhiều cây bút đáng chú ý như Lê Chí và Nguyễn Bá từ Cà Mau, Phù Sa Lộc từ Trà Vinh, Trúc Linh Lan từ Vĩnh Long, Lê Đình Bích từ Quảng Nam, Lương Minh Hinh từ Hưng Yên, Lê Xuân từ Thanh Hóa, Thanh Huệ từ An Giang, Lâm Tẻn Cuôi từ Bạc Liêu… Bên cạnh đó là những cây bút sinh trưởng tại Cần Thơ, tiêu biểu như Nguyễn Khai Phong, Nguyễn Trung Nguyên, Nguyễn Ngọc Tuyết, Đặng Hoàng Thám, Huỳnh Duy Lộc, Đào Duy Hòa, Nhật Hồng, Tôn Thất Lan… Cần Thơ cũng xuất hiện ngày càng nhiều cây bút trẻ nhiệt huyết đang sáng tác mạnh mẽ, xuất thân tại địa phương hay các tỉnh lân cận về học tập và làm việc: Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Hoàng Viện, Lê Thị Nhiên, Huy Tùng, Phan Duy, Mai Đức Trung, Nguyễn Kim Hương, Trần Thị Thu Ân, Võ Thụy Như Phương, Hoa Trúc, Nguyễn Khôi Nguyên, Hồ Ngọc Phát, Phan Thị Cẩm Tiên… Dù tên tuổi họ còn xa lạ nhưng đây là những cây bút trẻ giàu tiềm năng, hứa hẹn những mùa gặt mới của văn học Tây Đô.

Nhà thơ Trúc Linh Lan, Chủ tịch Hội Nhà văn Cần Thơ cho biết, sau mấy năm thành lập, hội đã có gần 90 hội viên, tuy nhiên phần lớn không phải là người viết chuyên nghiệp. Dù có lực lượng đông đảo, nhưng đến nay, chỉ mới có 6 nhà văn ở Cần Thơ được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là một thiệt thòi không nhỏ của một trung tâm văn học ở khu vực đồng bằng rộng lớn. Vì vậy, việc mở trại sáng tác, mời các nhà thơ, nhà văn có uy tín từ TPHCM và các tỉnh thành về giao lưu là cầu nối thiết thực, giúp bạn văn Cần Thơ bổ sung thông tin, kiến thức và kinh nghiệm, tạo thêm động lực và niềm say mê sáng tạo văn học.

Điều thú vị là trong số hơn 40 thành viên Trại Sáng tác thơ Cần Thơ 2015, có một số bạn đến từ các tỉnh lân cận tham gia dự thính, mong được giao lưu, học hỏi. Sau mỗi ngày dự trại, có bạn phải chạy xe máy trên 50km về nhà, mờ sáng hôm sau vẫn có mặt đúng giờ để tiếp tục tham gia giao lưu, đi thực tế. Qua đó cho thấy, Cần Thơ tiếp tục là một trung tâm có khả năng thu hút, quy tụ lực lượng cầm bút ở ĐBSCL.

Điều luyến tiếc trong chuyến về Cần Thơ lần này, tôi không được gặp nhà thơ Lê Chí, người đang được Hội Nhà văn Việt Nam cử sang Mỹ giao lưu văn học. Ông là cây bút chủ lực của miệt vườn, một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ chống Mỹ mà hiện nay vẫn sáng tác mạnh mẽ và luôn tự đổi mới mình trên thi đàn Việt Nam. Tuy nhiên, trước khi lên đường công tác, qua điện thoại với tôi, ông hy vọng trại sáng tác sẽ là một hoạt động văn học quan trọng giúp các nhà thơ Tây Đô, nhất là các bạn trẻ được tiếp thêm lửa tình yêu sáng tạo.

Bên dòng Hậu Giang, trò chuyện với nhà thơ Phù Sa Lộc, nhà báo Duy Chuyển và đặc biệt là nhà thơ Trúc Linh Lan, tôi lại nhớ đến chồng chị là nhà thơ Võ Minh Đường, một cây bút nhiệt huyết đã từng cùng các bạn thơ đưa tôi lênh đênh thăm chợ nổi Phong Điền 20 năm trước. Anh đã đột ngột ra đi để lại một khoảng trống đáng tiếc trong đời sống văn học đồng bằng.

PHAN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục