Vụ kiện bán phá giá giày da

Tương lai ngành giày dép VN phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của EU!

Tương lai ngành giày dép VN phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của EU!

Mặc dù vụ kiện đang ở giai đoạn điều tra nhưng ngành giày dép Việt Nam đã phải gánh chịu hậu quả từ nguy cơ mất việc làm của người lao động, các doanh nghiệp nước ngoài “quay lưng” với doanh nghiệp Việt Nam... Với tình hình này, ngành giày dép Việt Nam đang đứng trước nguy cơ suy giảm, do 70% tổng kim ngạch của ngành này được xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU), trong đó có tới 60% là đối tượng bị kiện. Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam đã bày tỏ bức xúc như vậy tại cuộc gặp gỡ với báo chí, tổ chức tại Hà Nội ngày 21-12.

  • Doanh nghiệp gia công “lãnh đủ”

Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, các doanh nghiệp da giày Việt Nam đang rất bức xúc trước kết luận của Cộng đồng châu Âu (EC) không công nhận 8 doanh nghiệp trong diện điều tra trực tiếp đạt tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường. Kết luận giày mũ da Việt Nam đã bán phá giá vào EU 130%, không phản ánh đúng một sự thật đằng sau các con số thống kê là có tới 80% doanh nghiệp giày dép Việt Nam làm gia công cho các công ty nước ngoài” – ông Nguyễn Ngọc Lâm nói.

Tương lai ngành giày dép VN phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của EU! ảnh 1

Thực tế, các doanh nghiệp này không tham gia vào các công đoạn sản xuất chủ yếu và không phải là người quyết định giá thành sản xuất cũng như giá xuất khẩu, không thể được coi là nguyên nhân và là yếu tố căn bản dẫn tới việc bán phá giá. Vì vậy, vẫn theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, các doanh nghiệp Việt Nam làm gia công cho nước ngoài cần phải được loại ra khỏi vụ kiện.

Thông tin từ Hiệp hội Da giày Việt Nam cũng khẳng định thêm, khoảng 20% doanh nghiệp Việt Nam còn lại xuất khẩu trực tiếp sang EU đều là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, kỹ thuật sản xuất và công nghệ kém, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh yếu nên không thể có khả năng gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho ngành giày da của EU.

Ông Phạm Văn Minh, Vụ trưởng Vụ châu Âu (Bộ Thương mại) cho biết, Bộ Thương mại vừa chính thức có công hàm đề nghị EC đình chỉ vụ kiện và xem xét lại quyết định không công nhận 8 doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường.

Nếu bị áp thuế chống bán phá giá, ngành giày dép Việt Nam sẽ bị tổn thất nặng nề bởi EU là thị trường số 1, chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu của ngành.

  • Tương lai ngành da giày đi về đâu?

Giày dép là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào các nước EU với giá trị trên 2 tỷ USD mỗi năm, chiếm gần 70% tổng giá trị xuất khẩu giày dép của toàn ngành. Năm 2005, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD. Tuy vụ kiện chống bán phá giá mới ở trong giai đoạn điều tra nhưng ngay trong năm 2005, ngành da giày đã phải gánh hậu quả khá nặng nề bởi xuất khẩu sang khu vực này đã giảm tới 300 triệu USD so với kế hoạch đề ra từ đầu năm.

Tuy nhiên, điều mà Hiệp hội Da giày lo lắng nhất là những tác động về mặt tâm lý làm việc của công nhân, doanh nghiệp, các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này vì họ trực tiếp sẽ là người gánh chịu các nguy cơ giảm thu nhập, việc làm.

Nghiêm trọng nhất là các doanh nghiệp nước ngoài đã bắt đầu cắt giảm đơn đặt hàng; đến thời điểm cuối tháng 12 này, một số đơn hàng cho năm 2006 vẫn chưa được khách hàng xác nhận, đồng thời, một số doanh nghiệp có vốn nước ngoài khác đang cân nhắc để chuyển các nhà máy từ Việt Nam sang các nước khác. Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, tương lai ngành giày dép Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của EU.

VIỆT LAN

Tin cùng chuyên mục