

Nhà văn
Nguyễn Văn Xuân
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân sinh năm Tân Dậu (1912) tại làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam. Ông thường được bạn đọc cả nước biết đến như một nhà Quảng Nam học qua các tác phẩm: Dịch cát (1966), Khi những lưu dân trở lại (1967), Hương máu (1969), Phong trào Duy Tân (1969), Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc (1971)...
Ông có truyện ngắn đầu tay từ năm 17 tuổi, tựa đề “Bóng tối và ánh sáng” được gởi tham gia một cuộc thi do tạp chí Thế Giới (Hà Nội) tổ chức, nhưng một thời gian sau truyện này được tạp chí Báo Mới (Sài Gòn) công bố đoạt giải nhất (không có tên tác giả). Khi tìm hiểu, ông được biết, hóa ra, tạp chí Thế Giới đã giải thể và bỏ mất luôn tên và địa chỉ tác giả dự thi kèm theo, song người chủ trương Thế Giới (nhóm Trần Đình Tri) chuyển sang lập tờ Báo Mới và tiếp nối cuộc thi nơi đây (khoảng năm 1939). Tuy là tác giả... không tên nhưng sự kiện này lại là một trong những động lực đầu tiên làm ông phấn khích quyết tâm theo đuổi văn nghiệp.
Giai đoạn 1945 - 1954, ông chuyên chú vào kịch nghệ khi đảm nhận nhiệm vụ ủy viên kịch nghệ của Hội Văn nghệ Quảng Nam và Liên khu V. Nhiều vở kịch được ông biên soạn trong thời gian này đã tạo được không khí sôi động trong đời sống xã hội lúc bấy giờ như “Kẻ xu thời”, “Một chuyện không tiện nói ra”...
Uyên bác là vậy nhưng số phận của nhà văn sống xuyên qua hai thế kỷ không nhàn nhã lắm. Số phận của nhà Quảng học Nguyễn Văn Xuân có chỗ éo le. Cả đời ông phải cầm bút để nuôi sống một gia đình mà vợ và hai người con đều bị bệnh tâm thần phân liệt.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, người rất quý mến Nguyễn Văn Xuân, có lần đã viết: “Đến tuổi này không phải viện đến câu “cái quan định luận” cũng có thể luận định về ông. Vả lại có lúc (không biết vui miệng hay buồn miệng) ông nói chuyện với những người quanh ông (phần lớn là những người bạn vong niên tuổi tác chỉ bằng con cái của ông – trong đó có tôi) về đám tang của ông. Câu chuyện luôn pha nét hài hước của một người đã từng trải đến mức có sống thêm cũng chẳng lấy làm khao khát. Nhưng ông cũng sợ chết, sợ vì cái gánh nặng đời trên vai không biết trút cho ai”.
Giờ đây gánh nặng ấy không còn trên đôi vai ông nữa. Lớp hậu bối chúng tôi cầu mong ông nhẹ nhàng mà đi, thanh thản mà đi...
Võ Hoàng Khôi
... Trước giải phóng nhiều bậc phụ huynh biết đến thầy Xuân còn qua những hoạt động nhiệt tình của ông trong Hội Khuyến học. Ông ít viết hơn xưa, nhưng khối nghĩ của ông không ngưng nghỉ. Kể từ sau ngày đất nước đổi mới, cũng là thời điểm tôi gặp ông lần đầu (1988), ông lộ diện hơn trong những hoạt động khoa học của tỉnh nhà rồi tham gia hội thảo ở một vài địa phương khác. Gần ông trong những cuộc thảo luận khoa học nghiêm túc hay trong cả những lúc (khi đã thân thiết với ông) trà dư tửu hậu, tôi luôn có cảm giác ông như một cơ thể tràn ứ bên trong những tri thức và những cảm nhận về cuộc sống đã chín muồi nhưng chưa có dịp hiển lộ. Trích từ bài Nhà Quảng học Nguyễn Văn Xuân của |