Ủng hộ mạnh mẽ Israel
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng M. Pompeo khẳng định: “Sau khi nghiên cứu kỹ tất cả khía cạnh của cuộc tranh cãi pháp lý này, chính quyền Mỹ nhất trí rằng việc xây dựng các khu định cư dân sự của Israel ở Bờ Tây, về bản chất, không phải không phù hợp với luật pháp quốc tế”. Ngoại trưởng M. Pompeo cũng trích dẫn đánh giá năm 1981 của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan rằng các khu định cư không phải “vốn đã bất hợp pháp”, đồng thời cho biết chính phủ Mỹ không bày tỏ quan điểm về tình trạng pháp lý của bất kỳ khu định cư riêng lẻ nào, hoặc giải quyết hoặc đánh giá về tình trạng cuối cùng của khu vực Bờ Tây.
Tuyên bố trên đánh dấu sự đảo ngược chính sách của Mỹ trong vòng 40 năm qua đối với các khu định cư của Israel, khi bác bỏ quan điểm pháp lý của Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 1978 cho rằng các khu định cư “không phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 18-11 tuyên bố, sự thay đổi chính sách của Mỹ khi coi các khu định cư Do Thái không phải là hành động phi pháp “đã sửa chữa sai lầm lịch sử”.
Nguy cơ tan vỡ kế hoạch hòa bình
Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ cho thấy Washington đã từ bỏ lập trường trong hàng chục năm qua và trên thực tế đã ủng hộ Israel xây các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây. Lập trường này đặt Mỹ vào thế bất hòa với EU và những quốc gia luôn phản đối hoạt động định cư của Israel tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.
Chỉ vài giờ sau động thái trên, tại Văn phòng Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini khẳng định, hoạt động này là bất hợp pháp chiểu theo luật quốc tế, “làm xói mòn triển vọng giải pháp 2 nhà nước cũng như triển vọng cho một nền hòa bình lâu dài”.
Ngày 19-11, Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liện hiệp quốc (OHCHR) cho biết các khu định cư của Israel tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng vẫn vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời phản đối lập trường thay đổi của chính phủ Mỹ về các khu định cư này.
Đồng quan điểm với OHCHR, Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày cho rằng việc Mỹ tuyên bố không còn xem các khu định cư của Israel ở vùng lãnh thổ Palestine là bất hợp pháp và không có giá trị trong luật pháp quốc tế. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng tuyên bố nói trên của Mỹ đã hủy hoại nền tảng pháp lý trong việc giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine. Bộ này cũng lên án sự thay đổi chính sách trong tuyên bố của Washington, đồng thời cảnh báo động thái này có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Jordan Ayman cảnh báo sự thay đổi lập trường của Mỹ về các khu định cư của Israel ở Bờ Tây sẽ gây ra “những hậu quả nghiêm trọng” đối với triển vọng hòa bình Trung Đông, làm tiêu tan triển vọng giải pháp 2 nhà nước mà các quốc gia Arab xem là giải pháp duy nhất giải quyết cuộc xung đột Arab - Israel kéo dài nhiều thập kỷ qua.
Trong khi đó, người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, ông Nabil Abu Rudaineh, đã lên án hành động này của Mỹ “trái ngược hoàn toàn với luật pháp quốc tế”. Mỹ đã đánh mất uy tín và không thể đóng bất kỳ vai trò nào trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Ông Hanan Ashrawi, nhà đàm phán kỳ cựu và là thành viên Ủy ban điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cho rằng, hành động này là cú đấm vào luật pháp quốc tế, công lý và hòa bình.
Theo giới phân tích, tuyên bố trên của Ngoại trưởng Mỹ có khả năng sẽ làm ảnh hưởng tới triển vọng cho kế hoạch hòa bình của Mỹ. Phía Palestine tẩy chay kế hoạch hòa bình Mỹ đưa ra vì cho rằng quan điểm của Washington nghiêng về phía Israel.