Tuyển sinh 2015: Cần sớm có phương án tài chính

Đến thời điểm này, các điểm tiếp nhận hồ sơ (các trường THPT) trên cả nước đã hoàn tất thu hồ sơ đăng ký dự thi. Các đơn vị chủ trì các cụm thi cũng đang chạy đua cho công tác phối hợp chuẩn bị tổ chức cho kỳ thi. Tuy nhiên, vấn đề mà các trường chủ trì các cụm thi đang băn khoăn chính là kinh phí cho khâu tổ chức vẫn chưa được quy định rõ ràng.
Tuyển sinh 2015: Cần sớm có phương án tài chính

Đến thời điểm này, các điểm tiếp nhận hồ sơ (các trường THPT) trên cả nước đã hoàn tất thu hồ sơ đăng ký dự thi. Các đơn vị chủ trì các cụm thi cũng đang chạy đua cho công tác phối hợp chuẩn bị tổ chức cho kỳ thi. Tuy nhiên, vấn đề mà các trường chủ trì các cụm thi đang băn khoăn chính là kinh phí cho khâu tổ chức vẫn chưa được quy định rõ ràng.

Với 18.000 hồ sơ đăng ký dự thi, Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM phải huy động nhiều cán bộ để nhập liệu hồ sơ.

Gấp rút nhập liệu hồ sơ

Thông tin từ các trường THPT trên cả nước cho biết, công tác thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh đã hoàn tất. Thời điểm này, các trường đang nhập liệu thông tin của thí sinh để đưa lên phần mềm quản lý thi, đồng thời tiến hành chỉnh sửa thông tin như mã trường, mã cụm, ngày tháng năm sinh, thay đổi hoặc bổ sung môn thi. Sau khi hoàn thành nhập liệu, các trường sẽ chuyển dữ liệu về các Sở GD-ĐT để sở chuyển về các cụm thi. 

Theo Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM, 8 cụm thi do các trường ĐH chủ trì tại TPHCM có số thí sinh dự thi chỉ còn khoảng 150.000, giảm 20.000 so với dự kiến ban đầu. Trong đó, học sinh THPT của TPHCM có gần 70.000 thí sinh (chưa tính thí sinh tự do) và còn lại là thí sinh các tỉnh Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Long An. Tuy nhiên, thực tế thí sinh dự thi tại các cụm thi ở TPHCM sẽ giảm vì lượng thí sinh tự do năm nay giảm nhiều. Nguyên nhân chủ yếu vì thí sinh chọn đăng ký tại các cụm thi do các trường ĐH ở các tỉnh chủ trì.

Đối với thí sinh tự do đăng ký thi tại TPHCM, phần lớn thí sinh đăng ký từ 3 - 5 môn thi nằm trong tổ hợp môn thi xét tuyển của các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Trong số 18.000 hồ sơ đăng ký, khoảng trên 5% hồ sơ thí sinh đăng ký thi 1 môn văn hóa, còn lại thi năng khiếu tại các trường ĐH, CĐ tổ chức thi riêng. Cá biệt, có 5 hồ sơ chọn cả 8 môn thi.

Theo Bộ GD-ĐT, đến ngày 15-6, thí sinh nhận giấy báo dự thi tại các điểm tiếp nhận hồ sơ. Ngày 30-6, thí sinh sẽ đến các điểm thi để làm thủ tục dự thi, chỉnh sửa các sai sót và nhận thẻ dự thi. Thời điểm này, sau khi thí sinh nhận được mật khẩu có thể truy cập vào phần mềm quản lý thi, kiểm tra lại thông tin để chỉnh sửa nếu có sai sót. Hiện nay, các sở GD-ĐT đang gấp rút chỉ đạo các trường nhanh chóng nhập liệu hồ sơ để thí sinh sớm kiểm tra trước khi in giấy báo dự thi.

Theo đại diện nhiều sở GD-ĐT, tại phía Nam có từ 10.000 - 20.000 thí sinh đăng ký dự thi, công tác nhập liệu có gặp khó khăn và phải huy động rất nhiều người tham gia nhập liệu để kịp tiến độ. Thực tế cho thấy, năm nay nhập liệu hồ sơ của thí sinh tốn nhiền thời gian vì có quá nhiều nội dung và phụ thuộc vào đường truyền của mạng Internet. Một cán bộ tuyển sinh cho biết, nếu như hồ sơ thi ĐH những năm trước 1 phút có thể nhập 3 hồ sơ thì năm nay phải mất đến 3 phút mới nhập xong 1 hồ sơ. Do đó, các tỉnh có từ 10.000 thí sinh trở lên, công tác nhập liệu sẽ căng thẳng. 

Chưa rõ phương án tài chính

Nếu như các trường THPT gánh việc hoàn tất hồ sơ thì lãnh đạo các tỉnh, các sở GD-ĐT, các trường ĐH chủ trì cụm thi cũng đang tất bật lo công tác tổ chức cho kỳ thi.

Hai thành phố có nhiều cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì nhất cả nước là Hà Nội và TPHCM cũng đang gấp rút chốt các phương án, chỉ đạo phối hợp tổ chức cho kỳ thi. Tại Hà Nội, từ ngày 24-4, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc có buổi làm việc với lãnh đạo 8 trường ĐH chủ trì cụm thi liên tỉnh trên địa bàn thành phố và lãnh đạo các sở GD-ĐT có thí sinh dự thi tại Hà Nội để bàn về công tác phối hợp tổ chức. Về kinh phí, sau khi nghe các trường đề xuất, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, đối với học sinh chỉ xét tốt nghiệp THPT thì kinh phí vẫn như mọi năm. Còn đối với học sinh vừa xét tốt nghiệp, vừa lấy điểm xét tuyển sinh ĐH, Bộ Tài chính dự tính bổ sung 150 tỷ đồng cho Bộ GD-ĐT để chuyển cho các trường ĐH tổ chức thi. Nếu không đủ, Bộ GD-ĐT phải có phương án cho các trường đủ chi.

Đi đầu trong công tác triển khai phối hợp tổ chức, Bộ GD-ĐT, UBND TPHCM và Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức nhiều buổi họp để thống nhất các phương án tổ chức. Ngày 21-4, Phó chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận đã có cuộc họp với các sở GD-ĐT và các trường ĐH chủ trì cụm thi tại TPHCM về việc thành lập Ban chỉ đạo thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. Trước đó, Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT TPHCM cũng đã có buổi làm việc với 8 trường ĐH và đại diện các tỉnh, thành có thí sinh dự thi tại TP về công tác tổ chức. Tại buổi họp, các bên cũng thống nhất nhiều phương án chuẩn bị như cơ sở vật chất, địa điểm thi, công tác tổ chức, công tác chấm thi…

Thực tế cho thấy, với các cụm thi do trường ĐH chủ trì, vấn đề băn khoăn nhất hiện nay không phải là chuyện thuê mướn địa điểm thi mà là về vấn đề tài chính hiện chưa xác định rõ. Các chi phí cho công tác tổ chức như tiền công cho cán bộ coi thi, tiền chấm thi… chưa quy định rõ là bên nào sẽ chi trả hay có sự san sẻ như thế nào. Nếu để các trường ĐH chủ trì gánh hết thì không ổn vì đây là kỳ thi chung quốc gia chứ không phải tổ chức cho thí sinh dự thi vào trường. Do đó, Bộ GD-ĐT cần phải có văn bản thống nhất để các trường và các địa phương sớm có phương án chuẩn bị.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục